Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thận trọng khi tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm

Trong chăn nuôi, việc tái đàn, nhập đàn mới sau khi xuất bán gia súc, gia cầm là việc làm tất yếu với người chăn nuôi. Đặc biệt, khi gia súc, gia cầm xảy ra dịch bệnh nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt buộc phải tiêu hủy thì người chăn nuôi cũng phải thực hiện việc tái đàn. Mặt khác do tác động của cơ chế thị trường, có thời điểm nhu cầu sử dụng từng loại động vật và sản phẩm động vật tăng cao, thị trường khan hiếm, các doanh nghiệp, người chăn nuôi cũng tranh thủ tái đàn, nhập đàn để phát triển kinh tế.



Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc nhập nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Việc vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các nước và các vùng, các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi làm giá thành động vật và sản phẩm động vật tăng cao cũng khuyến khích người chăn nuôi nhập đàn, tái đàn để tăng thu nhập.

Việc nhập đàn, tái đàn với người chăn nuôi rất quan trọng, cần thiết để khôi phục sản xuất, tăng thu nhập song cũng đã không ít trường hợp phải gánh chịu những hệ lụy, rủi ro, thậm chí là thiệt hại kinh tế lớn khi nhập đàn, tái đàn. Những rủi ro thường gặp đó là:

Thị trường tiêu thụ không đảm bảo, giá bán hạ, không bán được gia súc, gia cầm khi đến kỳ xuất bán làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và mất an toàn dịch bệnh. Nguyên nhân chính do không dự báo được tình hình, giá cả thức ăn chăn nuôi bị biến động tăng cao, không còn thị trường tiêu thụ (kể cả xuất khẩu). Chi phí đầu vào tăng bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, không đảm bảo có lãi. Trên thực tế, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi nhiều thời điểm tăng quá cao (trên 30%) so với bình thường cùng với đó một loạt chi phí dầu vào tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá động vật và sản phẩm động vật (giá lợn có thời điểm khoảng 30 ngàn đồng/kg hơi) làm người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, nhập đàn.

Dịch bệnh xảy ra đối với số gia súc, gia cầm ngay sau khi nhập đàn, tái đàn, rủi ro này thường gặp, nhất là đối với quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Người chăn nuôi nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ về thời điểm tái đàn, nhập đàn. Có thể tại thời điểm thời tiết khí hậu đang diễn biến phức tạp (mưa gió, rét đậm, rét hại…) trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Cộng với việc nhập ở vùng đang có dịch hoặc tiềm ẩn có dịch, gia súc, gia cầm lại không rõ nguồn gốc. Việc vận chuyển lưu thông không đảm bảo, thậm chí đi qua vùng có dịch cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm lây lan dịch bệnh khi về nơi tập kết. Đối với những hộ đã và đang nuôi gia súc, gia cầm xảy ra dịch (DTLCP, Cúm gia cầm, LMLM …) khi tiêu hủy gia súc, gia cầm không đúng quy định, mầm bệnh vẫn tồn lưu trong chuồng nuôi. Hơn nữa, việc để trống chuồng hoặc không làm tốt khâu vệ sinh cơ giới và khử trùng tiêu độc khi nhập gia súc, gia cầm về sẽ xảy ra dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.

Nhiều hộ chăn nuôi khi nhập đàn, tái đàn với số lượng lớn không thực hiện việc nuôi tân đáo (nuôi riêng để theo dõi) cho nhập đàn với số gia súc, gia cầm đang nuôi ngay vừa làm tăng mật độ chuồng nuôi vừa rất dễ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc nhập đàn, tái đàn không thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng chủ động, chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, không chấp hành các quy định về kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi đều là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến việc nhập đàn, tái đàn.

Để hạn chế những rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế khi nhập đàn, tái đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần lưu ý:

Thứ nhất: Tìm hiểu thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tại thời điểm, thị trường chi phí trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, các chi phí đầu vào trong chăn nuôi để quyết định nhập đàn và tái đàn. Không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường, nhu cầu đàn có những biến động bất thường. Kinh nghiệm của những người chăn nuôi hiệu quả cho hay chỉ nhập đàn và tái đàn trong điều kiện mặt bằng giá động vật và sản phẩm động vật trên thế giới và ở Việt Nam tương đương nhau không chênh lệnh quá lớn và dịch bệnh ổn định. Việc tìm hiều thị trường để thực hiện tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm luôn đặt lên hàng đầu không chỉ để khôi phục phát triển sản xuất mà còn tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi vì quan trọng nhất tạo đầu ra cho sản phẩm.

Thứ hai: Đảm bảo nhập gia súc từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu, đặc biệt các cơ sở đã được công nhận về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để được đàn gia súc có chất lượng, có bảo hộ về an toàn dịch bệnh, đã được tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ, được giám sát dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn. Khi về cơ sở nuôi có vấn đề gì được hướng dẫn kỹ thuật và các biện pháp kỹ thuật liên quan giúp sinh trưởng và phát triển tốt. Được nắm bắt thông tin về diễn biến dịch bệnh trong khu vực cũng như trong cơ sở chăn nuôi để từ đó có kế hoạch cụ thể sau tái đàn, nhập đàn.

Thứ ba: Phải thực hiện việc nuôi tân đáo đối với gia súc mới nhập đàn (khoảng 1 -2 tuần). Trên thực tế nhiều cơ sở chăn nuôi bỏ qua điều này dẫn đến rủi ro vì khi gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển có thể đi qua vùng dịch bị nhiễm bệnh hoặc trong quá trình vận chuyển gặp thời tiết bất lợi (nắng, nóng, rét đậm rét hại) dịch bệnh phát sinh, phát triển. Không thực hiện việc nuôi tân đáo cho nhập đàn ngay với gia súc, gia cầm đang nuôi tại cơ sở chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe chung toàn đàn thậm chí phát sinh dịch bệnh lớn khó lường.

Thứ tư: Thực hiện nghiêm việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương sở tại. Đây là điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật Chăn nuôi để có sự giám sát của các cơ quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn. Trường hợp gia súc, gia cầm không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trường hợp không khai báo chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh không những không được hỗ trợ thiệt hại mà còn bị xử lý vi phạm hành chính khi để xảy ra dịch bệnh.

Thứ năm: Chuẩn bị tốt điều kiện về chuồng trại khu chăn nuôi trước khi nhập đàn, tái đàn đó là vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng, để trống chuồng (khoảng 5 - 10 ngày) nếu là gia súc, gia cầm đến kỳ xuất bán, khoảng 1 -2 tuần nếu không may gia súc, gia cầm bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Trường hợp chuồng nuôi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải tiêu hủy cần làm thật tốt khâu vệ sinh bằng vôi bột, kể cả dùng đèn khò để diệt khuẩn cùng với việc để trống chuồng thời gian dài hơn, phun thuốc sát trùng, ngâm nước vôi nền chuồng để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh tái nhiễm xâm nhập.

Thứ sáu: Thực hiện thật tốt việc về sinh phòng bệnh sau tái đàn, nhập đàn, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm có cung đường vận chuyển từ xa, thời gian vận chuyển dài ngày, gia súc, gia cầm ở các vùng, khu vực đang có dịch cần chú ý ngay việc nuôi tân đáo, tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc, đảm bảo mật độ chuồng nuôi để nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Thứ bảy: Đảm bảo chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, có thông tin tốt về điều kiện từ nơi sản xuất nơi nhập đàn để có chế độ chăm sóc phù hợp, cho gia súc, gia cầm tập làm quen dần với môi trường sống mới, môi trường ăn uống tại cơ sở mới. Lưu ý về khẩu phần ăn, lượng nước uống đảm bảo. Gia súc, gia cầm thường giảm ăn hoặc kém ăn trong vài ngày đầu khi đến môi trường mới về chuồng trại, thời tiết khí hậu, người chăm sóc.

Thứ tám: Nên hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động hợp tác về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tạo đầu ra cho sản phẩm khi tái đàn, nhập đàn. Nắm bắt thông tin về tình hình và diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch nhập đàn, tái đàn. Ở những nơi, những vùng đang xảy ra dịch thì ko nên tái đàn, nhập đàn vì nguy cơ lây nhiễm bệnh và tỷ lệ rủi ro là rất cao. Không nhập gia súc, gia cầm ở nơi đang xảy ra dịch, hạn chế tối đa việc vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua vùng có dịch.

Thực hiện tốt việc kiểm dịch động vật vận chuyển theo quy định của cơ quan chuyên môn để đảm bảo gia súc khỏe mạnh có chất lượng khi tái đàn, nhập đàn, đồng thời được hướng dẫn, thông tin về tình hình dịch bệnh ở các nơi. Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm mới nhập đàn, tái đàn phát sinh thấy con vật có triệu chứng bất thường ốm, chết cần theo dõi cách ly con ốm và báo cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trị, tiêu hủy gia súc, gia cầm ốm, chết theo quy định./.

Nguyễn Ngọc Sơn