Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thái Lan gấp rút đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nhiều nông sản

Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh việc đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) cho một loạt các sản phẩm tại bốn quốc gia, nhằm ngăn chặn các tiểu thương ở nước ngoài cưỡng đoạt.



Động thái mới vừa được giới chức Thái Lan đưa ra sau khi một số mặt hàng nông sản trong khu vực thời gian gần đây bị mất thương hiệu ở nước ngoài (tuyên bố bản quyền), đồng thời giúp tăng cường xuất khẩu của Thái Lan trong bối cảnh đại dịch năm nay.

GI là chứng chỉ chỉ hàng hóa có đặc điểm riêng biệt đến từ các địa phương, tỉnh- thành, khu vực hoặc quốc gia nhất định.

Ông Prayoth Benyasut, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Thái Lan, cho biết các đơn đăng ký đã được gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia.

Theo đó, các mặt hàng nông sản Thái Lan bao gồm, gạo hom mali Thung Kula Rong Hai, bưởi Pakpanang Tub Tim Siam và me ngọt Phetchabun đăng ký tại thị trường Trung Quốc; Cà phê Doi Chaang và Doi Tung cùng với dứa Huay Mon ở thị trường Nhật Bản; Me ngọt Phetchabun và long nhãn vàng Lamphun ở Việt Nam; gạo hom mali Thung Kula Rong Hai, gạo Sangyod Muang Phatthalung, bưởi Pakpanang Tub Tim Siam ở Malaysia.

Ông Prayoth nói, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản ở nước ngoài sẽ giúp bảo vệ các sản phẩm Thái Lan có xuất xứ từ các địa phương nhất định. Đặc điểm riêng của các dòng sản phẩm này chính là sự hấp dẫn đối với cả người Thái và người nước ngoài. Ngoài ra động thái này cũng thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Prayoth cho biết: “Xuất khẩu các sản phẩm GI của Thái Lan dự kiến ​​sẽ tăng 5-10% trong năm nay, thêm 1 tỷ bạt (trên 32 nghìn USD) so với năm ngoái”.

Trước đó Thái Lan đã đăng ký nhiều sản phẩm GI ở nước ngoài, bao gồm gạo hom mali Thung Kula Rong Hai, cà phê Doi Chaang, cà phê Doi Tung, và gạo Sangyod Muang Phatthalung ở Châu Âu; Sợi tơ Thái bản địa Isan tại Việt Nam; và lụa Thái Lamphun ở  Ấn Độ và Indonesia.

Doanh số bán các sản phẩm GI đang có nhiều triển vọng khi chúng ngày càng trở nên nổi tiếng với khách hàng. Điều này đã khiến chính phủ Thái Lan khuyến khích nhiều cộng đồng phát triển chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị của chúng.

Ước tính Thái Lan có thể tăng tổng khối lượng thị trường lên hơn 36 tỷ bạt kể từ khi chính phủ thúc đẩy các sản phẩm GI.

Tính đến nay nước này đã có 137 sản phẩm bản địa được đăng ký GI tại 76 tỉnh thành. Sản phẩm GI mới nhất là gạo Kaw Diew Phichit, được đăng ký vào ngày 27/4./.

Theo Báo NNVN