Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thạch Thất tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự chỉ đạo sâu sát cụ thể của Ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Thành phố, các sở, ban ngành. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận cao trong nhân dân nên kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch Thất đã đạt được kết quả đáng kể.



Đến nay, toàn huyện đã có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã Đại Đồng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Với những kết quả đạt được, trong năm 2021, huyện Thạch Thất đăng ký phấn đấu xã Hương Ngải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua kiểm tra, rà soát đến nay xã Hương Ngải có 15/19 tiêu chí đạt, 4 tiêu chí cơ bản đạt.

Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề về cơ giới hóa cũng được ứng dụng và đẩy mạnh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học cộng nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, nuôi trồng ứng dụng công nghệ đã cho năng suất, chất lượng cao và ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất cũng chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Trung tâm khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện để triển khai thực hiện 1 mô hình phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy tại xã Canh Nậu, quy mô 15.000 khay mạ, cấy diện tích 60 ha lúa, với kinh phí thực hiện 277,9 triệu đồng bằng nguồn kinh phí của thành phố. Sản xuất hơn 50 nghìn khay mạ đủ tiêu chuẩn để mở rộng diện tích cơ giới hóa trong khâu gieo cấy trên địa bàn, đồng thời, quản lý 6,2 tỷ đồng cho 19 hộ nông dân vay đầu tư phát triển trang trại và mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo thực hiện 2 mô hình sản xuất lúa theo chuỗi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ cao (sử dụng máy bay không người lái) tại xã Dị Nậu 50 ha và xã Hương Ngải 50 ha. Qua đó, bước đầu đã cho thấy hiệu quả hơn so với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp thủ công, trừ được sâu bệnh dịch hại kịp thời, bù đắp được thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, quản lý được vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Từ chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên đời sống vật chất và tinh thần của nông dân trên địa bàn huyện đã từng bước được nâng lên. Hạ tầng kỹ thuật, xã hội, phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư nên bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới khang trang hơn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước”, ông Loan cho biết thêm.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 trên địa bàn huyện đạt 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,27%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thường xuyên. Trong quý II/2021, huyện đã giải quyết việc làm cho 725 lao động, đạt 13,9% kế hoạch đề ra. Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giải quyết các chế độ, chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở của 156 hộ nghèo, 757 hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố để lập kế hoạch, huy động nguồn lực xây sửa cho các hộ.

Theo ông Nguyễn Kim Loan, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đối với mục tiêu đưa xã Hương Ngải trở thành xã nông thôn mới nâng cao, huyện Thạch Thất sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, đặc biệt là các dự án trên địa bàn xã Hương Ngải, đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, chỉ đạo xã Hương Ngải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án do xã làm chủ đầu tư; hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố về thẩm tra, công nhận xã Hương Ngải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện trong năm 2021 về nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng biểu kế hoạch chi tiết, lựa chọn một số chỉ tiêu của tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao có khả năng thực hiện hoàn thành để thực hiện trong năm 2021.

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản xuất trên diện tích đất canh tác. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các cây con giống tiến bộ, có năng suất cao, xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo vùng, bao gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 690 ha tại xã Dị Nậu, Canh nậu, Hương Ngải; Vùng sản xuất rau an toàn 285 ha tại các xã: Đại Đồng, Phú Kim, Hương Ngải…

Đồng thời, mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất, cấy và thu hoạch lúa; thực hiện thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn cho gia súc ở các xã: Đại Đồng, Lại Thượng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung theo Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

Phát triển chăn nuôi trâu bò thịt, lợn, gia cầm tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch ở các xã: Cẩm Yên, Kim Quan, Lại Thượng, Bình Yên, Cần Kiệm… Hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.

NT (Theo Chinhphu.vn)