Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới do ảnh hưởng của không khí lạnh các tỉnh phía Bắc có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại và có khả năng xảy ra băng giá ở một số vùng miền núi phía Bắc. Để sản xuất cây trồng an toàn đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh phía Bắc tập trung chỉ đạo các nội dung sau:
- Đối với sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024
1.1. Các tỉnh Bắc Trung Bộ
Đối với diện tích lúa đã gieo sạ: Cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng để giữ ấm cho lúa, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.
Đối với diện tích mạ đã gieo: Tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, giữ đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày, đêm xuống dưới 150C.
Tuyệt đối không gieo mạ, gieo sạ vào thời điểm rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ dưới 150C. Đối với diện tích chưa gieo sạ, gieo mạ, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ, gieo sạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ, gieo sạ tự phát vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại.
1.2. Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc
Đối với diện tích mạ đã gieo (trà Xuân sớm, Xuân trung): Tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, giữ đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày, đêm xuống dưới 150C.
Đối với diện tích chưa gieo mạ (diện tích trà Xuân muộn): Tập trung gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân, sử dụng các giống lúa ngắn ngày; gieo sạ, cấy kết thúc trước 28/02. Riêng một số tỉnh miền núi phía Bắc thời gian gieo, cấy không muộn hơn ngày 05/3 để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện tốt nhất về nhiệt độ, ánh sáng.
Theo sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 Đối với các tỉnh Trung du và Đồng Bằng Bắc Bộ: tại Thông báo số 8128/TB- BNN-TL ngày 10/11/2023 của Bộ Nông nghiệp & PTNT để chủ động cho lấy nước, thau chua rửa mặn, đảm bảo đủ nước cho cho việc làm đất, gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Tổng thời gian lấy nước 12 ngày, gồm 2 đợt: Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 23/01 đến 24 giờ 00’ ngày 30/01/2024 (8 ngày); Đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 18/02 đến 24 giờ 00’ ngày 21/02/2024 (4 ngày). Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để lấy nước đạt hiệu quả cao nhất, lấy nước đổ ải thau chua, rửa mặn ở vùng ven biển, tích và giữ nước kịp thời hiệu quả, đảm đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, giữ nước cho tưới dưỡng giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng.
Với diện tích gieo trồng vụ Đông muộn cần tranh thủ làm đất sớm ngay sau thu hoạch cây vụ Đông, chuẩn bị giống, bố trí cơ cấu giống hợp lý đảm bảo thời gian trỗ trong khung thời vụ tốt nhất.
Chuẩn bị tốt nhất điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi; nguồn giống dự phòng.
- Đối với sản xuất rau màu
Tiếp tục chỉ đạo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông (tưới đủ ẩm; bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ,... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; thu hoạch kịp thời cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, cần chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước, sau Tết Nguyên đán.
- Đối với các vườn cây lâu năm
Đối với các vườn cây lâu năm đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản: Cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc giữ ấm cho cây. Thực hiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon (khi có tuyết, sương muối), có tác dụng ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây mới trồng. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống chịu lạnh để trồng giặm đối với những diện tích bị chết.
Đối với cây lâu năm đang trong thời kỳ kinh doanh: Khi vào mùa Đông cần tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiêp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây; Khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại; Đối với cây cao su: Điều chỉnh lượng phân bón, tăng cường kali, giảm NPK vào đợt cuối trước mùa đông để tăng khả năng chịu rét cho cây cao su; Đối với cây cà phê chè: Hướng dẫn người sản xuất trồng cây cây che bóng, chắn gió tầng cao, tầng thấp theo quy trình kỹ thuật.
Những diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại do băng tuyết nặng, có hiện tượng bị cháy lá, cành thì tiến hành cưa vát dưới phần bị chết 15 - 20 cm (dùng cưa để cưa thân không được dùng dao chặt), những diện tích bị nhẹ tiến hành cắt dưới những phần bị chết từ 5 - 10 cm, tủ gốc, giữ ấm để sang Xuân khi các cành bật lộc những diện tích bị nhẹ tiến hành cắt cành dưới phần bị chết 5 - 10 cm, tủ gốc giữ ẩm, giữ ấm. Sau 1 - 2 tháng thì tiến hành tỉa chồi, chỉ để lại 4 - 5 chồi to khỏe phân bố đều quanh gốc, khi các chồi này cao 20 - 30 cm thì tiếp tục tỉa định chồi, chỉ giữ lại 1 - 2 chồi tốt nhất để tạo thân mới, thường xuyên vặt bỏ các chồi ra sau để sang Xuân tiếp tục chăm bón phục hồi
Tiến hành phân loại, đánh giá tình trạng thiệt hại đối với từng vườn, diện tích cây trồng để có biện pháp khắc phục phù hợp; tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất hỗ trợ theo quy định.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động và sẵn sàng các phương án phòng, chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn hạt giống lúa, rau màu dự phòng đảm bảo chất lượng để chủ động khắc phục khi cần thiết./.
NT (TH)