Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP

Để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP, ngành Công Thương Thủ đô đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Những cách làm này đã giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng hơn và vươn xa hơn.



Hà Nội hiện có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thông tin từ Sở Công Thương cho thấy, hiện Hà Nội đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP chiếm 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, Hà Nội công nhận 518 sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới như Úc, châu Âu, Nhật Bản... Nhờ đó, uy tín và thương hiệu của các chủ thể OCOP ngày càng được nâng cao.

Thực tế cho thấy, mặc dù các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều sản phầm được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nhưng việc tiêu thụ không hề dễ dàng. Vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngành công thương Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Những cách làm này, đã giúp cho sản phẩm OCOP tỏa sáng hơn và vươn xa hơn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể trên địa bàn thành phố - là một trong những nội dung, chương trình công tác của sở được triển khai thường xuyên, liên tục.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín… liên tục mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã. Thông qua hoạt động này, đã hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.

Theo đánh giá của các quận, huyện, việc mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các địa phương, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND TP. Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố năm 2023.

Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thị xã Sơn Tây.

Hà Nội đang và sẽ thể hiện rõ vai trò "đầu tàu" trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)