Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp cuối năm

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội có diễn biến rất phức tạp đặc biệt là sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới, chủng virus gây bệnh mới.



 Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò đã được ghi nhận tại 11 hộ chăn nuôi tại 04 huyện, thị xã, tổng số bò mắc bệnh là 21 con; bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra tại 22 thôn thuộc 10 huyện, trong đó chủng virus Cúm gia cầm A/H5N8 đã xảy ra tại 02 xã thuộc huyện Ba Vì; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 37 xã thuộc 09 quận, huyện, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 11.002 con, tổng trọng lượng là 611.422 kg. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giá thịt lợn hơi, giá gia cầm thịt xuống thấp trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao; kết hợp với sự thay đổi điều kiện thời tiết khi chuyển mùa… gây sức ép và e ngại cho người nông dân khi tái đàn sản xuất. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và tránh tình trạng khan hiếm thực phẩm dịp cuối năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp sau:

  1. Giải pháp tăng cường giám sát dịch bệnh.

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm: chủ động lấy mẫu giám sát tại vùng có nguy cơ cao, mật độ chăn nuôi lớn, tại đàn vật nuôi nghi mắc bệnh … để kịp thời phát hiện dịch bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh. Thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tới tận hộ chăn nuôi, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch. Từ đó, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đây là giải pháp quan trọng quyết định đến các giải pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh đặc biệt đối với các bệnh mới.

  1. Giải pháp tiêm phòng.

Chủ động triển khai 02 đợt tiêm phòng vắc xin đại trà cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn Thành phố. Thực hiện tiêm các loại vắc xin được Thành phố hỗ trợ cho đúng đối tượng, đúng kế hoạch đề ra để đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin và độ bảo hộ miễn dịch cho đàn vật nuôi. Bên cạnh các loại vắc xin được hỗ trợ, cần tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho đối tượng gia súc, gia cầm không được hỗ trợ tiêm vắc xin và các loại vắc xin phòng bệnh khác cũng như khi tái đàn.

Ngoài ra, hàng năm Thành phố còn hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong những năm tới, để đảm bảo an toàn dịch bệnh và chủ động phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cần đảm bảo duy trì hỗ trợ các loại vắc xin và triển khai tiêm phòng đối với các bệnh thuộc Danh mục các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  1. Giải pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Để chủ động tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, nhằm phòng dịch bệnh phát tán trên đàn vật nuôi, hàng năm Thành phố hỗ trợ hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên toàn địa bàn từ 05 – 06 đợt/ năm. Ngoài các đợt vệ sinh tiêu độc định kỳ, Thành phố còn thực hiện các đợt vệ sinh tiêu độc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Mỗi đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng có kế hoạch sử dụng các loại hóa chất khác nhau và đối tượng phun khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao cũng có thể có thay đổi tùy theo điều kiện thời tiết và mùa vụ.

  1. Giải pháp về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Trên cơ sở mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được phê duyệt tại quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của Thành phố cần gắn với chế biến sản phẩm động vật và xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ môi trường. Rà soát, ban hành, sửa đổi cho phù hợp với từng thời kỳ các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp, phấn đấu tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung đạt tương ứng khoảng 60%, 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030. Tăng cường các biện pháp quản lý giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không đảm bảo vệ sinh thú y và ATTP, xử phạt nghiêm và đóng cửa những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không phép.

Đào tạo, tập huấn, phổ biến các văn bản mới, văn bản có liên quan đến công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật theo chuỗi; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, chuẩn hóa các nội dung đào tạo.

Xây dựng phần mềm dữ liệu về quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật; đào tạo, tập huấn sử dụng, vận hành phần mềm.

Kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật góp phần kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là xác định sự lưu hành của mầm bệnh đồng thời truy vết các ổ dịch. Từ đó, xây dựng được các biện pháp khống chế ổ dịch hiệu quả cũng như đáp ứng được nhu cầu cũng cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thủ đô.

  1. Giải pháp về nâng cao năng lực hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Duy trì hệ thống Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ Thành phố đến cấp huyện và xây dựng hệ thống mạng lưới cán bộ thú y không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn. Tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cánh bảo, ứng phó dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh mới, bệnh nguy hiểm trên động vật, bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và nâng cấp hệ thống thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh bảo dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ và ứng dụng kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và phát hiện dịch bệnh mới.

Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về dịch tễ phòng, chống dịch bệnh động vật cho lực lượng thú y các cấp.

Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chăn nuôi chuyên canh tập trung theo quyết định của Thành phố.

Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật: đầu tư nhân lực, trang thiết bị cho phòng xét nghiệm của Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông và Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đủ điều kiện làm chẩn đoán xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tăng cường phối hợp giữa các Sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với một số dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người như bệnh Dại, bệnh Cúm gia cầm, bệnh Liên cầu khuẩn….

  1. Giải pháp về thông tin, tuyên truyền.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; nâng cao nhận thức về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đặc biệt là các bệnh mới; cập nhật thông tin dịch tễ các bệnh truyền nhiễm cho người chăn nuôi; An toàn thực phẩm trong chăn nuôi và thú y; …. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ giúp người dân không những chấp hành tốt các chính sách của Thành phố trong chăn nuôi mà họ còn chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh góp phần hạn chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, thành phố Hà Nôi tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và đảm bảo được nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng thủ đô./.

Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hà Nội