Để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, bệnh Lở mồm long móng gia súc, bệnh Dịch tả lợn Châu phi, bệnh Tai xanh lợn, bệnh Viên da nổi cục trên trâu, bò và bệnh Dại chó, mèo…nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền trên các hệ thống, phương tiện để nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thường xuyên cập nhật các văn bản và chỉ đạo mới để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động chăn nuôi, kinh doanh vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, kinh phí dự phòng theo quy định và có kế hoạch, chủ động ứng phó khi có ổ dịch bệnh động vật phát sinh trên địa bàn.
Các ban, ngành của địa phương phối hợp với cơ quan Thú y quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi và tổ chức tiên phòng vắc xin đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Các quận đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh dại động vật phải duy trì tốt các điều kiện của vùng an toàn dịch bệnh dại động vật, đặc biệt là điều kiện về tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo và điều kiện về bắt giữ, xử lý chó thả rông; đối với các quận chưa được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại, tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để được chứng nhận theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố./.
NB (TH)