Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài năm 2019

Hiện nay thời tiết nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nhiều ngày không có mưa, nhiệt độ thường xuyên ở mức cao (trên 380C). Trên địa bàn thành phố Hà Nội nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức 38-400C, lượng mưa không đáng kể, dự báo cấp cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp IV đến cấp V), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.



 Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội vừa ban hành công văn số 2066/SNN-KL đề nghị UBND quận, huyện, thị xã có rừng và sở, ngành liên quan tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài năm 2019.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã có rừng: Chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trực thuộc nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC. Đặc biệt chủ động thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng cháy rừng. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của huyện, thị xã, chủ rừng trên địa bàn kiểm tra, rà soát, đánh giá phương tiện trang thiết bị PCCCR đảm bảo hoạt động tốt khi chữa cháy. Phân công, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hiệp đồng bố trí lực lượng trực PCCCR, sẵn sàng huy động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chỉ đạo UBND các xã có rừng trên địa bàn quản lý nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR trên hệ thống loa truyền thanh xã để nhân dân nâng cao cảnh giác, trách nhiệm trong công tác PCCCR tại cơ sở. Thường xuyên tuần tra các khu rừng, đặc biệt các khu rừng hay xảy ra cháy rừng, khu rừng có lượng người ra vào lớn, kiểm soát, quản lý nguồn lửa để không xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo Tổ đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR chủ động, sẵn sàng trong thực hiện chữa cháy kịp thời không để xảy ra cháy lớn. Bố trí, bảo dưỡng các trang thiết bị chữa cháy rừng đảm bảo hoạt động hiệu quả để kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

UBND huyện, thị xã có rừng chỉ đạo thực hiện nghiêm phương án PCCCR đã được xây dựng. Chủ động trong mọi tình huống về phương tiện, lực lượng kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra, hạn chế thấp nhất do cháy rừng gây ra, đảm bảo an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, an toàn cho dân cư, tài sản của nhân dân khu vực xảy ra cháy rừng; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi san ủi, lấn chiếm, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp.

Trong công văn này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tham gia công tác PCCCR và xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn các kho tàng, phương tiện và các trang thiết bị quốc phòng; sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chữa cháy rừng chủ động tham gia chữa cháy rừng khi được huy động.

Công an thành phố: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các cấp, bố trí lực lượng tham gia thanh tra, kiểm tra các tụ điểm, điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp, dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật; chỉ đạo các đội cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực quản lý địa bàn huyện thị xã có rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng và UBND xã có rừng xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội: Tiếp tục thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai các phương án PCCCR hiệu quả trên địa bàn thành phố; Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng tăng cường phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của UBND huyện, thị xã có rừng thanh tra, kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm, khu vực dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời tham mưu cho UBND cấp huyện phương án PCCCR đạt hiệu quả cao nhất; Tổ chức tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng liên tục 365 ngày/năm theo đúng quy định được phê duyệt. Bố trí Kiểm lâm địa bàn thường trực quan sát phát hiện sớm cháy rừng tại các chòi quan sát lửa rừng đã được giao quản lý, sử dụng. Bố trí thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm cháy rừng. Khi phát hiện cháy rừng phải thông báo theo quy định của pháp luật và huy động lực lượng kịp thời để tham gia chữa cháy rừng; Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp, phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của UBND huyện, thị xã có rừng kịp thời tham mưu cho UBND cấp huyện xử lý theo quy định.

Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội: Làm tốt công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp được giao không để xảy ra các hành vi vi phạm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp như phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp; Phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; Tăng cường lực lượng tuần tra, hướng dẫn người dân, du khách khi vào rừng, các khu du lịch tâm linh, không mất cảnh giác, sử dụng lửa bất cẩn gây cháy rừng; Kiểm tra trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động hiệu quả trong quá trình chữa cháy, đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình trái quy định trên đất lâm nghiệp, cháy rừng quy mô lớn trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý./.

TX (TH)