Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sóc Sơn: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ



Sóc Sơn là một huyện có nhiều diện tích đất nông nghiệp, để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, huyện Sóc Sơn đã triển khai mô hình “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân hữu cơ” để tận dụng hết các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thông qua việc triển khai trên thực tế đã thấy rõ hiệu quả của mô hình, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Đồng thời giảm chi phí mua phân bón và góp phần cải tạo đất, tốt cho cây trồng, từ đó tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn cung cấp cho người tiêu dùng của Hà Nội.

Bà Ngô Thị Du, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình bà có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 2.500 m2. Từ trước đến nay, mỗi khi thu hoạch những phụ phẩm như rơm rác, thân cây lúa hay hoa màu bà đều vứt bỏ hoặc đem đốt gây ô nhiễm môi trường, lãng phí một nguồn nguyên liệu quý để tái phục vụ sản xuất. Từ khi Hội LHPN xã Phú Cường triển khai hoạt động tuyên truyền tập huấn sử dụng chế phẩm để biến phụ phẩm trong nông nghiệp trở thành phân hữu cơ bón cho đồng ruộng, bà Ngô Thị Du cũng đã áp dụng và thấy rõ hiệu quả của mô hình đối với đồng ruộng nhà mình, giảm chi phí mua phân bón. Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt mang lại lợi nhuận cho gia đình. Vốn là huyện nông nghiệp, tỷ lệ chị em hội viên phụ nữ làm nông nghiệp còn khá lớn. Nhận thấy lợi ích từ mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, Hội LHPN huyện Sóc Sơn và các cơ sở hội đã đứng ra tuyên truyền vận động chị em hội viên áp dụng mô hình. Hiện nay, mô hình đã được chị em hội viên tại 2 xã Phú Cường và Tân Minh góp phần tận dụng hết phụ phẩm trong nông nghiệp thành phân bón tốt cho cây trồng, tiết giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn, từ 2 xã ban đầu, Hội LHPN huyện Sóc Sơn đang nỗ lực triển khai nhân rộng mô hình ra 25 xã trong toàn huyện để góp phần giảm thiểu phụ phẩm trong nông nghiệp bị vứt bỏ lãng phí gây ô nhiễm môi trường. Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tạo dựng nên các sản phẩm nông nghiệp an toàn là mục tiêu mà Hội LHPN các cấp của huyện Sóc Sơn hướng tới, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn.

Vốn là huyện nông nghiệp, hàng năm, huyện Sóc Sơn phát sinh khoảng 37,5 nghìn tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp và số lượng này chủ yếu được đốt bỏ ngoài cánh đồng. Việc làm này là “lợi bất cập hại”, không những làm lãng phí 1 nguồn nguyên liệu để tái chế làm phân bón sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, còn gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý lượng rơm rạ thành phân bón vi sinh, giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật hữu ích, cải thiện độ phì nhiêu của đất. Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15% – 20%, năng suất vượt trội từ 10% – 15% so với cách canh tác truyền thống. Đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất, chống các loại sâu bệnh thường gặp trên cây lúa… Đây là cách làm cho hiệu quả thiết thực, bền vững, tác động tích cực đến môi trường. Việc áp dụng mô hình Xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ là cách để mỗi hội viên phụ nữ và nhân dân chung tay góp sức để môi trường Thủ đô ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn./.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ