Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơ kết quý II chương trình xây dựng Nông thôn mới

Vừa qua, tại Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” đã tổ chức hội nghị giao ban quý II đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng dự và chỉ đạo hội nghị.



Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Đến nay, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 2 xã so với quý I/2019 và 03 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018. Hai huyện Gia Lâm và Quốc Oai đang hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo góp ý của Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban chỉ đạo Trung ương tham mưu UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện đạt chuẩn NTM năm 2018. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất. Công tác phòng chống, khoanh vùng, dịch tả lợn Châu Phi được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy trình.

Phần thảo luận của hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo của Ban chỉ đạo và đưa ra những kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện các tiêu chí NTM, vấn đề về môi trường, nước sạch, công tác y tế ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi,... Trên cơ sở đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải đặt xây dựng NTM làm mối quan tâm hàng đầu. Thực hiện đồng bộ các tiêu chí; Duy trì đều công tác giao ban, kiểm tra đôn đốc khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại. Bên cạnh đó, các huyện tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình: “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thành phố Hà Nội đến năm 2020, phấn đấu trong năm nay tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 300 sản phẩm trở lên./.

Lưu Phượng