Theo Cục BVTV, vừa qua, Cục đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc phát hiện lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm loài rệp Dysmicoccus neobrevipes, là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản nói chung và quả tươi nói riêng, Cục BVTV thông báo và đề nghị các Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động trồng và xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc biết và thực hiện ngay một số nội dung:
- Quản lý chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại tại các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó trước mắt đặc biệt chú ý đối với các vườn thanh long và các loài rệp gây hại Dysmicoccus neobrevipes, Pseudococcus jackbeardsleyi.
Trường hợp phát hiện các vườn bị nhiễm các loài rệp vừa nêu, bắt buộc phải thực hiện các biện pháp loại bỏ, xử lý triệt để các loài rệp trên quả trước khi xuất khẩu. Tài liệu về các loài rệp gây hại vừa nêu, Cục BVTV đăng tải trên website của Cục (www.ppd.gov.vn).
- Thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc biết để thực hiện chọn lọc hàng hoá và có biện pháp xử lý để tránh những rủi ro, thiệt hại từ sự việc trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị thông báo về Cục BVTV để phối hợp, xử lý kịp thời.
Hai loài rệp Dysmicoccus neobrevipes và Pseudococcus jackbeardsleyi thuộc họ Pseudococcidae - Bộ Hemiptera. Ký chủ của chúng khá đa dạng như dứa, cam quýt, mãng cầu, hoa kiểng, thanh long, mít, cà phê, chuối, nhiều cây họ đậu, sắn… (xuất hiện không cao trên thanh long).
Trên thanh long, chúng gây hại tất cả các bộ phận của cây như bông, thân cành và quả. Chúng dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, thân, cành, quả... để hút các chất dinh dưỡng. Các vết châm của rệp làm cho mô bị hại bị thâm nâu, triệu chứng bên ngoài vỏ quả có màu vàng. Loài rệp này thường phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô./.
TX (Theo Báo NNVN)