Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản xuất rau an toàn ở Hà Nội: Tăng sản lượng, nâng cao chất lượng

Hà Nội hiện có hơn 13.000ha sản xuất rau các loại, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn. Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên. Chất lượng, sản lượng các loại rau của Hà Nội đã và đang được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.



Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là một trong những vùng sản xuất rau lớn của Hà Nội với hơn 250ha. Thời gian gần đây, vùng rau này đã “lột xác” với hạ tầng giao thông nội đồng được đầu tư bài bản, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như tưới tự động, dùng màng che phủ… đã được áp dụng vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) Trần Văn Tuấn cho biết, hợp tác xã đã đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới trên diện tích 10.000m2, quy trình canh tác áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới nên các loại rau đều cho năng suất cao, đồng đều về mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường đón nhận... Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Cam ở đội 12, thôn Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), nhờ ứng dụng công nghệ cao, đầu tư màng phủ passlite, gia đình ông hạn chế được tối đa bọ nhảy gây hại, bệnh thối nhũn và dập nát do mưa bão gây ra. 2 sào rau ăn lá của gia đình không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình canh tác và cho năng suất gấp 2 lần so với canh tác thông thường.

Xã Tân Minh, huyện Thường Tín - một trong những vùng rau gia vị lớn của Hà Nội với diện tích 200ha cũng đang nỗ lực xây dựng vùng rau an toàn chất lượng cao. Bà Mai Thị Minh, Tổ trưởng tổ 5 mô hình chuỗi rau áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của nhiều thành phần (PGS) ở xã Tân Minh cho biết, với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khoa học, kỹ thuật trong canh tác rau gia vị, chi phí sản xuất giảm, trong khi năng suất, chất lượng rau tăng cao, thu nhập gấp 5, 6 lần trồng lúa.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương, tại các vùng rau an toàn, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng như che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng... 100% nông dân được tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Qua đó, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì được thu gom, tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường... Mỗi vùng sản xuất rau an toàn có ít nhất 1 cán bộ bảo vệ thực vật trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đánh giá sâu bệnh hại...

Từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, sản lượng tăng cao, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/ha, giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường từ 10% đến 20%.

Phát triển rau an toàn theo chuỗi

Những thành tựu trong sản xuất là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện thành phố mới có 76 chuỗi liên kết sản phẩm rau, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp tác xã chỉ chiếm 6,1% so với tổng diện tích sản xuất. Do vậy, phát triển rau an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang hướng tới.

Để thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi tiêu thụ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quản lý chất lượng vùng rau…, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi rau an toàn về chi phí tư vấn xây dựng các mối liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn cho nông dân.

Dưới góc độ đơn vị sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm Trần Văn Tuấn thông tin, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục duy trì sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng quy mô hệ thống nhà lưới nhà màng; tăng số lượng cửa hàng phân phối do hợp tác xã làm chủ và không ngừng mở rộng chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn Chử Tâm.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, huyện sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hóa gắn với sơ chế, bảo quản…; hỗ trợ kinh phí cho các chuỗi rau an toàn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như kinh phí cho việc phân tích mẫu rau, mẫu đất, không khí... phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm./.

Theo Báo Hà Nội mới