Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển nhanh. Thế giới có 50,91 triệu ha được canh tác hưu cơ và tiềm năng thị trường tới 81,6 tỷ USD. Nông nghiệp hữu đang là xu hướng trên thế giới. Năm 2000, quỹ đất cho nông nghiệp hữu cơ vào khoảng 14,9 triệu ha trên toàn thế giới, doanh thu bán lẻ 17,9 tỷ USD. Sau 15 năm, diện tích canh tác hữu cơ tăng lên 50,9 triệu ha (gấp 4 lần), trong khi giá trị tăng đến 81,6 tỷ USD (gấp 5 lần). Bắc Mỹ và châu Âu là hai khu vực có doanh số bán lẻ cao nhất, theo khảo sát năm 2017 của FiBL, AMI.
Việt Nam cũng nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Từ năm 2007 đến 2015, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120 ha lên 76.666 ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Tại Việt Nam đến nay, đã có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp đầu đàn đã đi tiên phong vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất hữu cơ theo chuỗi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu sản phẩm nông sản tới 180 nước với giá trị xuất khẩu năm 2016 là 32,14 tỷ USD và năm 2017 đạt trên 36 tỷ USD. Đó là thành quả chung rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong giai đoạn phát triển mới hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ và bổ dưỡng cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe và cũng đang là một xu thế tiêu dùng mới.
Tại Quyết định số 06- NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII ngày 05/11/2016 cũng nêu rõ: “Tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ; có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”.
Tại quyết định số 1600/QĐ- TTG ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều tiềm năng hướng tới một nền nông nghiệp cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả, phát triển chuỗi nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu”
Như vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu tại Việt nam, được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và cũng chỉ rõ ra hai vấn đề cần giải quyết, đó là: Sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và Phát triển chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Đến nay, cả nước đã có 33/63 tỉnh, thành cả nước đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng cũng như giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ. Tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, …
Trên cơ sở nhu cầu phát triển sản xuất hữu cơ, năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi từ tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 32-1999, sửa đổi năm 2013.
Tuy nhiên, hiện nay trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp do chưa nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng trong nước, Cụ thể như sau:
+ Đối với lĩnh vực trồng trọt
Hiện có khoảng 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với 3.053,04 ha chủ yếu là dừa và Ninh Thuận cũng là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ lớn với 448,26 ha với một số sản phẩm chủ lực là nho, táo, rau, riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ là 284,66 ha.
Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ nhiều năm và sản phẩm sản xuất ra đã có sự gia tăng về giá trị như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), Thanh Xuân - Sóc Sơn (Hà Nội); chè Shan Tuyết Bắc Hà (Lào Cai); cam Hàm Yên (Tuyên Quang), … Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước đã bắt đầu hình thành từ đây.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sản phẩm đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ 220 ha, 2 vụ/năm, rau hữu cơ 50 ha/năm; Công ty Organik Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại Bản Liền tỉnh Lào Cai (374ha); Hà Giang (645ha)…
+ Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản
Hiện nay đã có 02 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận là: Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Hoa Kỳ và Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk với tổng đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con, dự kiến đến năm 2018 là 3.000 con tại tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như Trang trại Bảo Châu, Trang trại Anh Đào, ... Các dự án thủy sản nuôi tôm sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau đang được tổ chức phi chính phủ SNV hỗ trợ lấy chứng nhận của IMO (tổ chức chứng nhận của Thuỵ Sĩ) để xuất khẩu tôm sang thị trường EU. Đến cuối tháng 9/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 20.030 ha (trong đó 20.000 ha là diện tích nuôi tôm sinh thái và 30 ha diện tích nuôi cá nước ngọt).
Nhiều nước trên thế giới hiện đã triển khai các chương trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ độc lập của bên thứ 3 theo nguyên tắc của tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065. Một số chương trình chứng nhận phổ biến bao gồm:
- Chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA -NOP của Hoa Kỳ,
- Chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo quy định tại EC 834/2007 của Châu Âu,
- Chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản
- Chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo India NSOP của Ấn độ
- Chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo chương trình của Onecert dựa trên USDA - NOP có bổ sung các yêu cầu của EC834, India NSOP và JAS
Cho đến nay Canada, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đã hình thành cơ chế chấp nhận kết quả chứng nhận của các chương trình trong nhóm. Một số chương trình chứng nhận hữu cơ khác của Hàn Quốc hay Đài Loan cũng đang xúc tiến các hoạt động xem xét lẫn nhau với chương trình chứng nhận của Hoa Kỳ để hội nhập trong cơ chế chấp nhận chung này.
Ngoài ra, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cũng triển khai chương trình chứng nhận bên thứ ba với tên gọi Hệ thống kiểm soát nội bộ cho chứng nhận theo nhóm (IFOAM Internal Control System for Group Certification) và thúc đẩy chương trình chứng nhận theo hình thức được gọi là Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS). Tuy nhiên, xét về bản chất và định nghĩa theo thông lệ quốc tế về hoạt động chứng nhận, PGS với sự tham gia của chính nhà sản xuất nông nghiệp sẽ mang nhiều tính chất của hoạt động tự công bố phù hợp với quy định sản xuất hữu cơ.
Trong thời gian qua, hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi một số tổ chức chứng nhận ở nước ngoài, thực hiện đánh giá chứng nhận theo các tiêu chuẩn của USDA - NOP-NOP hay EC 834/2007 để phục vụ cho yêu cầu cụ thể của một số thị trường xuất khẩu. Theo số liệu thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam có khoảng 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA -NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007. Hoạt động tự đánh giá, tự công bố theo hình thức của chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM đã được triển khai tại 6 hệ thống ở các địa phương bao gồm Sóc Sơn – Hà Nội, Lương Sơn – Hoà Bình, Trác Văn – Hà Nam, Tân Lạc – Hoà Bình, Hội An và Bến Tre thu hút 298 thành viên là các hộ nông dân với tổng diện tích 27,8 héc ta công bố đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ PGS, chuyển đổi 15,5 héc ta, cung cấp khoảng 714 tấn rau 1 năm cho thị trường nội địa.
Hoạt động trong lĩnh vực kiểm nghiệm và chứng nhận, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội – Đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã sớm nhận thức được xu thế tất yếu ngày càng phát triển về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ đó nghiên cứu xây dựng và áp dụng chuẩn mực theo TCVN 11041:2015 và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM; Đến nay, Trung tâm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn ISO 17065 với phạm vi 52 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tại Quyết định số 593.2016/QĐ-VPCNCL ngày 15/12/2016 (VICAS 052 - PRO). Trung tâm đã đánh giá và cấp chứng nhận cho 02 cơ sở và thực hiện hướng dẫn, giám sát quá trình chuyển đổi đối với 03 cơ sở (01 cơ sở trồng trọt, 02 cơ sở chăn nuôi).
Thành phố Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, với sức tiêu thụ hàng ngày vào khoảng 800 - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500-3.000 tấn rau quả, 350 - 400 tấn thủy sản tươi sống và chế biến. Đồng thời đây là nơi tập trung nhiều mối quan tâm nhất đối với an toàn thực phẩm, từ đó trở thành thị trường rất lớn đối với nông nghiệp hữu cơ
Hiện nay, phong trào nông nghiệp hữu cơ đã hình thành và phát triển trên địa bàn Hà Nội, qua các mô hình cho thấy bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, là minh chứng cho khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Hà Nội hiện là địa phương sản xuất rau hữu cơ lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trên 50ha, riêng trang trại Hoa Viên 10ha, số còn lại nằm rải rác ở Sóc Sơn, Long Biên, Thạch Thất. Sản xuất rau hữu cơ rất khó, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, không dễ mà làm được, nhất là khi người dân đang sản xuất quy mô nhỏ. Tuy nhiên, sau những nỗ lực không ngừng, Hà Nội đã làm được việc tổ chức được nhóm nông dân tự quản, cộng với kiểm tra chéo, có sự kiểm soát chặtchẽ của nhiều bên, trong đó có cả người tiêu dùng, người kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước.
Một vấn đề quan trọng nữa mà Hà Nội đã làm rất tốt trong khi các địa phương trên cả nước chưa làm được là tổ chức lớp học đồng ruộng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và phương thức canh tác không sử dụng thuốc BVTV. Mặt khác, việc tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cũng là vấn đề không nhỏ trong chuỗi sản xuất hữu cơ của Hà Nội.
Để có được những nông trại, diện tích rau hữu cơ luôn ổn định như vậy, Sở đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng vắcxin, xúc tiến thương mại rất kịp thời. Theo đó, ở Hoa Viên, Sóc Sơn và các điểm sản xuất rau hữu cơ khác của Hà Nội, hằng tuần, hằng tháng thường có từ 6 -10 cán bộ, kỹ thuật viên là người của Sở, huyện và xã cùng phối hợp, bám sát đồng ruộng với bà con để tổ chức những lớp học tại ruộng. Điển hình như tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV, dùng bẫy, bả chua ngọt trừ trưởng thành họ ngài đêm, che vòm nylon sản xuất rau trái vụ,ngâm nước hạn chế sâu, bệnh hại trong đất, bón khô dầu, bột đậu tương để cải tạo đất. Hoặc, cách bón phân trên đồi dốc ở trang trại Hoa Viên như thế nào để đạt hiệu quả cao, trong khi nguồn phân hữu cơ ngày càng khan hiếm. Phối hợp với Hội Phụ nữ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ của các nông trại, HTX để người tiêu dùng hiểu, biết và sử dụng.
Mặt khác, để tạo được nguồn thực phẩm không chỉ an toàn mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, cây trồng hữu cơ cần được sinh trưởng và phát triển trong một hệ thống canh tác mà ở đó không có sự tác động bởi hóa chất, hệ sinh thái đồng ruộng được điều hòa ổn định. Các vòng dinh dưỡng trong sản xuất được khép kín tối đa, nhằm tạo dựng độ màu mỡ, phì nhiêu của đất một cách bền vững. Sản xuất hữu cơ không chỉ bảo đảm môi trường sản xuất không bị ô nhiễm từ bên ngoài mà còn có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Phải có vùng đệm, hoặc trồng cây rào chắn để tránh nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc BVTV và các nguồn nhiễm bẩn từ bên ngoài. Nguồn nước phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục. Không sử dụng phân tươi, phân ủ từ rác thải đô thị, rác thải sinh hoạt, không sử dụng trực tiếp các sản phẩm từ hầm biogas như nước thải, phân.
Với những lợi thế như trên, sản xuất nông nghiệp Hà Nội có tiềm năng phát triển hữu cơ rất lớn để cung cấp cho thị trường Hà Nội và tiến tới xuất khẩu từ các hoạt động sau:
Đối với hoạt động sản xuất: UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 05/KH – UBND ngày 03/1/2018 về đánh giá thực trạng chất lượng và giải pháp bền vững đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với kết quả của Kế hoạch này là cơ sở để thực hiện Quyết định số 923/QĐ-BNN-KH ngày 24/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến hết năm 2020; Nông dân Hà Nội sẽ càng vững tin để phát triển sản xuất hữu cơ theo xu thế trên thế giới
Đối với hoạt động chứng nhận: Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã và đang nỗ lực mở rộng năng lực chứng nhận sản phẩm hữu cơ với các chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận, trong đó có chuẩn mực nông nghiệp hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Từ đó sẽ tạo niềm tin trong tiêu thụ sản phẩm hữu cơ do Hà Nội sản xuất, để cung cấp cho thị trường Hà Nội, đồng thời tạo điều kiện nhanh chóng tiếp cận với thị trường quốc tế.
Để chuẩn bị triển khai kế hoạch nông nghiệp hữu cơ 3 năm của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận nông nghiệp hữu cơ năm 2018. Trung tâm đã phối hợp cùng Nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ vùng Ba Vì, thành phố Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo bàn về các tiêu chí của nông nghiệp hữu cơ hiện nay và thực tế sản xuất tại vùng Ba Vì, Hà Nội.
Trong chương trình, các cán bộ của Trung tâm đã được tham quan thực tế các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ hiện đang chuyển đổi tại vùng Ba Vì và tham quan khu "Vườn giới thiệu và thực hành canh tác, sản xuất rau gia vị, rau bản địa hữu cơ Ba Vì"./.
Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm NN