Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản xuất bưởi cảnh, hướng đi mới cho người trồng bưởi diễn tại huyện Đan Phượng

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 1995 huyện Đan Phượng đã tập trung chuyển đổi sang trồng cây bưởi diễn, với 17 ha ban đầu nay đã lên tới trên 200 ha với thương hiệu “Bưởi diễn Tôm vàng Đan Phượng”.



Từ cây bưởi diễn nhiều hộ đã cho thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/hộ, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí  xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, ngoài việc sản xuất những quả bưởi chất lượng, đồng đều, người nông dân cũng cần nghĩ đến việc sản xuất những cây bưởi cảnh. Bởi, xu thế chơi bưởi cảnh, nhất là tại thị trường Hà Nội ngày càng phát triển, nhiều cây bưởi cảnh có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho giá trị cao gấp nhiều lần so với thu bưởi quả như hiện nay. Kỹ thuật sản xuất bưởi cảnh cũng không quá khó, cơ bản gồm các công đoạn: cây bưởi được trồng vào chậu, nhất là những cây bưởi to, sau đó nhà vườn tạo ra những dáng, thế và chăm sóc cho cây phát triển tốt, đến một thời điểm thích hợp, sẽ tiến hành ghép thêm những quả bưởi vào tạo ra cây bưởi cảnh có bộ lá đẹp, quả phân tán đều xung quanh tán, chín vàng vào dịp tết nguyên đán. Cây bưởi cảnh càng lạ, càng độc đáo thì giá trị càng cao.

Đối với nông dân huyện Đan Phượng, tập trung phát triển cây bưởi cảnh sẽ có nhiều lợi thế:

Thứ nhất, thời gian đầu mới chuyển đổi sang trồng bưởi, có nhiều hộ do chưa nắm chắc được kỹ thuật, nên đã trồng quá dày với mật độ trồng cây cách cây là 3m x3m, đến khi cây lớn mới thấy mật độ này không phù hợp, cây khép tán sớm dẫn đến ít quả, nhiều sâu bệnh. Để khắc phục do trồng quá dày, nhiều hộ đã phải tỉa bớt cây và đây là nguồn nguyên liệu sẵn có tuyệt vời để sản xuất bưởi cảnh. Những cây bưởi càng to, dáng thế đẹp sẽ cho ra cây bưởi cảnh có giá trị cao. Đây là lợi thế mà không phải vùng nào cũng có được.

Thứ hai, trong quy trình kỹ thuật chăm sóc bưởi, sau giai đoạn đậu quả là đến giai đoạn tỉa quả, định hình cho cây phát triển cân đối, hợp lý. Thì những quả bưởi phải tỉa bỏ này thay vì phải bỏ đi sẽ được tận dụng để ghép lên những cây bưởi cảnh. Những nơi không có nguồn bưởi như vậy, người sản xuất bưởi cảnh phải mua với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/quả về để ghép.

            Thứ ba, đầu tư sản xuất bưởi cảnh tạo điều kiện cho cây bưởi Đan Phượng có sức cạnh tranh, vì hiện nay nhiều tỉnh miền bắc cũng đang mở rộng diện tích trồng bưởi như Hòa bình, Thái Nguyên,....với lợi thế về đất đai, nhân công các địa phương đó sẽ sản xuất ra quả bưởi với số lượng lớn và giá thành hạ, giá bưởi Đan Phượng khi đó cũng bị giảm theo. Có thể xảy ra kịch bản giải cứu bưởi như đối với quả vải và thịt lợn. Vì vậy, nông dân Đan Phượng cần tập trung chọn lọc, đầu tư với cây bưởi đã có nhiều năm tuổi, bồi đắp cho những gốc bưởi đó tạo ra chất lượng quả ngon hơn, đồng đều hơn mang hương vị riêng của bưởi tôm vàng Đan Phượng mà không vùng nào có được. Còn lại những cây bưởi cho giá trị quả thấp, không hiệu quả chuyển sang làm bưởi cảnh.

Với những lợi thế như trên sản xuất cây bưởi cảnh tại Đan Phượng sẽ là hướng đi tốt. Nếu người nông dân tập trung đầu tư, học hỏi kỹ thuật chắc chắn sẽ nâng cao trị giá vườn bưởi của mình lên gấp nhiều lần so với hiện nay./.

Nguyễn Hữu Cương- Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng