Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy định mới về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

Ngày 25/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.



Theo đó, Nghị định quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm: Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng lâm nghiệp; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm giống; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp phải tuân thủ quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống.

Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích xã hội hóa các hoạt động liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, bảo quản giống cây trồng lâm nghiệp, các hoạt động quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Đối với chất lượng của các lô hạt giống phải được thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng; chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống.

Đối với cây giống trong bình mô phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô theo quy định tại Nghị định.

Đối với hom giống, cành ghép, mắt ghép phải được lấy từ vườn cây đầu dòng, cây trội được công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về hom giống, cành ghép, mắt ghép theo quy định tại Nghị định.

Đối với lô cây giống phải được sản xuất từ cây trong bình mô hoặc giống được thu hái từ nguồn giống đã được công nhận, còn thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống.

Nghị định cũng quy định rõ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp do mình sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải có địa điểm giao dịch hợp pháp. Có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống; các thông tin về vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng, thời gian giao nhận.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có trách nhiệm bàn giao cho khách hàng hồ sơ liên quan đến lô giống theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định khi xuất bán để sử dụng trong quá trình vận chuyển, lưu thông và sử dụng giống.

Trước khi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2021./.

TX (TH)