Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phó Bí thư Chi đoàn làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng

Ba năm nay, anh Đỗ Đức Ngọc (thôn Thái Bạt 1, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì) đã nổi lên là một thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông.



Là một thanh niên ở vùng quê kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, anh Ngọc luôn trăn trở với bài toán làm giàu trên quê hương mình. Năm 2015, thấy mô hình nuôi cá lồng trên sông có thể phát triển được, anh đã quyết định vay mượn tiền để đầu tư vào mô hình này.

Do kinh phí có hạn nên lúc đầu anh chỉ đầu tư làm 3 lồng nuôi cá, mỗi lồng có diện tích là 30 m3, sau thấy hiệu quả, hiện nay, anh đã đầu tư xây dựng được 10 lồng. Trong các lồng nuôi cá này, anh Ngọc đã chọn lựa các loại cá như trắm, chép, rô phi đơn tính và cá lăng. Trong đó, cá lăng có 2 lồng, chép và trắm mỗi loại 1 lồng còn lại là 6 lồng rô phi đơn tính. Để có thể nuôi cá thành công, anh Ngọc đã học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở nhiều nơi khác nhau, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do các công ty chuyên về thức ăn cho cá tổ chức, qua đó hiểu thêm kỹ thuật nuôi cá, đặc điểm của từng loại cá để thuận lợi trong quá trình chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá.

Theo anh Ngọc, đối với từng loại cá, có các loại thức ăn khác nhau, đối với cá lăng anh mua cá con về băm cho ăn thì cá trắm lại là cỏ và cám ngô, còn cá chép và rô phi đơn tính thì cho ăn cám công nghiệp. Nuôi cá lồng ở sông, cũng có nhiều rủi ro, cá trắm và chép cũng bị nhiều bệnh hay gặp phải như nấm da, cá rô phi ngoài bệnh nấm ra còn có cả sán gan, mòn đuôi, nếu không phòng bệnh, chữa trị kịp thời thì tỷ lệ cá chết rất cao, thiệt hại về kinh tế là không nhỏ. Vì vậy, để nuôi cá thành công, việc phòng bệnh cho cá là quan trọng nhất, bổ sung Vitamin C tăng sức đề kháng cho cá nuôi, kết hợp với hóa chất như vôi, biodine và các loại thảo dược như tỏi, lá xoan để phòng bệnh, từ đó mà tỷ lệ rủi ro do cá chết sẽ giảm đi rất nhiều.

Hàng năm, anh Ngọc thả khoảng 4 tấn cá giống các loại. Qua thực tế nuôi, cá lăng nuôi khoảng 2 đến 3 năm trọng lượng đạt trung bình từ 5 đến 6 kg/con, cá trắm thả loại từ  7 đến 8 lạng/con, sau một năm cũng được 5 đến 6 kg/con, cá chép thì được khoảng 3 kg/con, cá rô phi con có trọng lượng lớn cũng phải 4 kg. Trung bình mỗi lồng cá, anh Ngọc cho biết thu lãi mỗi năm khoảng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Tuy nhiên anh Ngọc cũng cho biết, hiện nay, việc vay vốn qua tổ chức Đoàn Thanh niên gặp muôn vàn khó khăn, do thanh niên chưa có sổ đỏ để thế chấp cũng như tổ chức Đoàn vẫn chưa đứng ra đảm bảo cho anh vay nguồn vốn ưu đãi làm kinh tế.

Có thể nói, với việc mạnh dạn dám nghĩ, dám làm anh Ngọc đã khẳng định được sự năng động của thanh niên nông thôn làm giàu trên quê hương, không ly nông gắn với ly hương./.

Hồng Đạt - Trung tâm VHTT & Thể thao Ba Vì