Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất

Để phát huy thế mạnh của địa phương, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.



Theo ông Nguyễn Quốc Ân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình kinh tế tập thể đang là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, giúp bà con yên tâm sản xuất và nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bắt kịp xu thế ấy những năm gần đây, các ngành, đoàn thể huyện Sóc Sơn đã khuyến khích, vận động hội viên liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, các chi hội, nhóm sản xuất. Từ đó góp phần tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thêm thu nhập, tích cực phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã và đang được huyện Sóc Sơn chú trọng phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt trên 18.200 tỷ đồng, tăng 4,96% so với năm 2020. Trong đó, ngành nông lâm thuỷ sản tăng 4,79%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 4,7%; ngành thương mại - dịch vụ tăng 5,55%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tăng dần, trong khi nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, bệ đỡ của nền kinh tế, từng bước đưa huyện Sóc Sơn trở thành vùng phát triển và đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Bắc, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn cho biết, gia đình anh có khu vườn dược liệu, với quy mô hơn 8ha. Trước kia chỉ là đất đồi gò khó canh tác, trồng các loại cây màu đều cho thu nhập thấp. Nhưng vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo và bắt tay vào trồng cây dược liệu. Ngoài được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản phẩm dược liệu của gia đình ông còn được hỗ trợ thu mua. Việc tiêu thụ thuận lợi giúp hộ gia định ông Bắc không chỉ có thu nhập khá hơn so với canh tác truyền thống mà còn yên tâm mở rộng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, cùng với phát triển các mô hình trồng hoa, cây ăn quả, mô hình trồng dược liệu theo hướng hữu cơ đang được mở rộng trên địa bàn xã. Từ năm 2015, cây dược liệu bắt đầu được đưa về và trồng tại thôn Yên Sào, xã Xuân Giang với các loại cây như: Thìa canh, kim ngân, khôi tía... Nhờ đưa các giống dược liệu thuần chủng vào trồng, ứng dụng kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa khâu sản xuất, chế biến nên cây dược liệu ở vùng đồi gò xã Xuân Giang đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so với các cây trồng truyền thống khác.

Mô hình trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ đang mở ra hướng sản xuất theo chuỗi giá trị cho người dân địa phương. Trong năm 2022, xã tiếp tục duy trì những loại dược liệu đã ký hợp đồng với doanh nghiệp và tìm kiếm những loại cây mới để phát triển theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Dương Văn Huấn, Giám đốc Hợp tác xã liên minh vận chuyển hữu cơ Thanh Xuân, xã Thanh Xuân là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ, đây cũng là sản phẩn tiêu biểu của nông nghiệp Hà Nội.

Sản xuất rau hữu cơ không chỉ mang lại thu nhập cao cho nông dân mà đã góp phần thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc thảo mộc. Nhờ sản xuất đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất, "Rau hữu cơ Sóc Sơn" đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Hiệp hội hữu cơ Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm tuân theo đúng quy trình, quy định về sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn PGS).

Đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó và duy trì theo con đường sản xuất hữu cơ, bà con nơi đây đã làm chủ được kỹ thuật canh tác, sản phẩm phong phú được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận, đem lại nguồn thu nhập ổn định cùng một môi trường trong lành, sức khỏe tốt.

Tương tự, bà Đào Thị Quý, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn, xã Bắc Sơn cũng tận dụng địa thế đồi gò để phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn. Theo bà Quý, đơn vị có 30 thành viên tham gia, sản xuất gần 100ha chè. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu như giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng.

Hiện chè an toàn Bắc Sơn được cấp chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể giúp tiêu thụ thuận lợi hơn. Dù thời điểm vừa qua Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID -19 nhưng đơn vị vẫn luôn động viên các thành viên tiếp tục sản xuất theo VietGAP để giữ vững niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm.

Theo bà Đỗ Thị Hồng, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, với lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đó có mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm bước đầu đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây./.

NT (Theo Chinhphu.vn)