Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển thủy sản theo hướng tái cấu trúc

Hiện nay Hà Nội đã hình thành 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với hơn 5.397 ha chủ yếu tại các huyện; Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ,... Việc thực hiện tái cơ cấu góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản của Hà Nội phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và hạn chế nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.



Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố phát triển ổn định; diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản năm 2019 là 22.400 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 113.000 tấn, tăng so với năm 2018 là 8,17% (104.463 tấn). Sản lượng giống đạt 1.200 triệu cá bột; 600 triệu cá giống các loại (tăng 4,34% so với năm 2018). Khai thác thủy sản ước tính cả năm đạt 1.746 tấn.

Hiện nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội chiếm trên 54,17% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi chiếm 45,58%. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã hình thành rõ nét theo chuyên canh, tập trung phù hợp với xu hướng tái cơ cấu ngành phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái, gia tăng giá trị sản phẩm. Chăn nuôi của thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, nếu tính tổng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng tốp đầu cả nước.

Trên cơ sở của Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp các huyện thực hiện 13 dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì với tổng diện tích 2.400 ha. Trong đó, có 4 dự án được phê duyệt đầu tư: Xã Cổ Đô, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân và Vạn Thắng, huyện Ba Vì; Xã Trung Tú và Đồng Tân, huyện Ứng Hoà; Xã Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn, huyện Mỹ Đức; Xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín. Có 9 dự án còn lại được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đến hết năm 2018, có 2 dự án đã được đầu tư triển khai: Dự án vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc 2 xã Trung Tú và Đồng Tân - Ứng Hòa (232 ha), và dự án xây dựng vùng NTTS xã Nghiêm Xuyên – Thường Tín (93,2 ha); các dự án còn lại (11 dự án) chưa được triển khai.

Về sản xuất giống nuôi trồng thủy sản, từ năm 2009-2013, đã thực hiện hỗ trợ đàn cá bố mẹ hậu bị và thay thế đàn cá bố mẹ hàng năm cho 11/17 cơ sở giống cụ thể như sau: 7.600 kg cá Trắm cỏ bố mẹ, 4.500 con cá Chép bố mẹ hậu bị, 3.200 kg cá Mè, 5.200 kg cá Trôi. Đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cho 8/17 cơ sở.

Kết quả sản xuất giống năm 2019 ước đạt 1.800 triệu con trong đó chủ yếu tập trung vào hai đối tượng nuôi chính là cá Chép, cá Trắm. Chất lượng con giống của các cơ sở đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người nuôi nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố. Đồng thời bước đầu đã thực hiện được sự kết nối giữa người sản xuất và cơ sở kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Đặc biệt, trong nuôi trồng thủy sản, Hà Nội đã thử nghiệm một số công nghệ mới trong sản xuất giống như công nghệ xử lý cá rô phi đơn tính bằng phương pháp ngâm hormon chuyển đổi giới tính khác với phương pháp cho ăn thông thường. Kết quả thử nghiệm cho thấy tỷ lệ cá đơn tính đạt trên 95%. Hay sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn trong quá trình sinh sản được triển khai tại Trại sản xuất thực nghiệm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản – Trung tâm Phát triển Nông nghiệp.

Ứng dụng các công nghệ nuôi mới trong nuôi trồng nuôi trồng thủy sản như công nghệ Biofloc (quy mô 6 ha), công nghệ sông trong ao. Hiện nay đã có 63 bể áp dụng công nghệ nuôi cá sông trong ao với thể tích mỗi bể là 200-250m3. Ứng dụng các công nghệ cho ăn tự động.

Sử dụng các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng nuôi trồng thủy sản với quy mô trên 9.000 ha. Sử dụng cây thảo dược, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ cho các mô hình nuôi nuôi trồng thủy sản hữu cơ như: Mô hình nuôi cá Chép, Trắm theo hướng hữu cơ tại Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Mô hình nuôi cá Chép cho ăn bổ sung giun quế tại Gia Lâm...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Đăng, hạ tầng vùng nuôi nuôi trồng thủy sản tập trung của Hà Nội chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Diện tích được giám sát, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh và ATTP quá ít so với tổng diện tích đang được đưa vào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố (mới chỉ đạt từ 3%-5% so với tổng diện tích đưa vào nuôi nuôi trồng thủy sản). Các cơ sở nuôi nuôi trồng thủy sản đa số nhỏ lẻ nên khó khăn trong công tác quản lý; nhiều HTX nuôi trồng thủy sản hoạt động chưa hiệu quả...

Vì vậy, để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, phù hợp với tái cấu trúc nông nghiệp, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng Hà Nội cần phải xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các vùng trũng, thấp, có truyền thống nuôi trồng thủy sản thuộc các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai.

Cụ thể: Cá rô phi, cá diêu hồng nuôi bán thâm canh (nuôi đơn và nuôi ghép) và nuôi thâm canh cao tại một số vùng nuôi tại các huyện Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Trì;

Cá lăng, cá chiên là những đối tượng yêu cầu môi trường nước sạch, khí hậu mát nên sẽ tập trung phát triển ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Sóc Sơn...

Khai thác tiềm năng, tăng năng suất nuôi trồng thủy sản mặt nước lớn (nuôi hồ chứa) như: Nuôi cá lồng bè trên hồ chứa với mật độ thấp sẽ được tập trung chủ yếu ở huyện Ba Vì (hồ Suối Hai), thị xã Sơn Tây (hồ Đồng Mô, Xuân Khanh), huyện Mỹ Đức (hồ Quan Sơn - Tuy Lai), huyện Chương Mỹ (hồ Đồng Sương, Văn Sơn).

Đồng thời phát triển sản xuất, cung ứng con giống là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của Thành phố. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 22.500 ha. Trong đó, diện tích tập trung có điều kiện đầu tư thâm canh 11.4 ha chiếm 50%, năng suất vùng nuôi tập trung bình quân 16,7 tấn/ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 212 nghìn tấn.

Rà soát từng đối tượng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu phát triển cho từng vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, phù hợp các quy mô, các sản phẩm chủ lực phù hợp nhu cầu thị trường. Giảm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ gần khu dân cư không đáp ứng luật Chăn nuôi, luật Nuôi trồng thủy sản./.

NT (Theo Chinhphu.vn)