Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển nông nghiệp từ thế mạnh giống đặc sản

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, hiện nay thành phố có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, đây cũng là những thương hiệu nổi tiếng và đã được đưa vào danh mục nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp để thúc đẩy nông sản phát triển, trở thành sản phẩm chủ lực của Thủ đô.



Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chí, với thế mạnh điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng cũng như nhiều địa hình khác nhau nên Hà Nội có nhiều lợi thế sẵn có và tiềm năng phát triển các giống bản địa đặc sản, tạo nên nét riêng của Thủ đô.

Trên địa bàn của Thành phố có rất nhiều giống cây, con đặc sản mang lại giá trị kinh tế rất cao. Điển hình như: Mít na Sơn Đà, hồng xiêm Xuân Đỉnh; bưởi đặc sản với nhiều giống khác nhau. Hiện nay, Hà Nội có gần 10.000 ha bưởi; trong đó có hơn 7.000 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên... Hà Nội cũng là địa phương trồng đa dạng giống bưởi như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi Cát Quế…

Một số giống cây đặc sản khác cũng được trồng đa dạng như: Phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, hay cải mào gà Hoài Đức, Húng Láng, rau muống Linh Chiểu, khoai tây Thường Tín, cải mơ Hà Nội và 3 giống hoa, cây cảnh: địa lan kiếm và sen Tây Hồ… Điển hình như hiện nay, nhãn chín muộn Đại Thành của huyện Quốc Oai đang vào mùa, đây là một trong những cây đặc sản và chủ lực của Hà Nội, với diện tích khoảng 115 ha, cho sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng và đã xuất khẩu, có mặt tại thị trường nước ngoài.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội cũng có nhiều giống đặc sản nổi tiếng như Vịt cỏ Vân Đình, chăn nuôi bò tại Ba Vì… Trong đó, đối với chăn nuôi vịt, Hà Nội có vùng trọng điểm sản xuất giống vịt được phát triển tập trung tại 2 huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, đồng thời xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vịt cỏ tại huyện Ứng Hòa. Với lợi thế nguồn giống sẵn có, hiện nay, giống vịt này đang được nuôi giữ phục vụ công tác lai tạo giống tại các đơn vị nghiên cứu, khoa học của Bộ Nông nghiệp & PTNT và phát triển thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy An, huyện Ba Vì, với diện tích đất nông nghiệp lớn, xã Thụy An đang tập trung phát triển các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi gà đồi. Với thương hiệu "gà đồi Ba Vì"- thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội đang tạo dựng được uy tín và chất lượng sản phẩm cung ứng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Việc hoàn thiện được các chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ giúp ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo vấn đề An toàn thực phẩm.

Để bảo tồn và phát triển giống bản địa, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương đang đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% - 2% tổng diện tích đất trồng trọt và tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1% - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi…

Bên cạnh đó, để có bước chuyển mới, phát triển bền vững cho nông nghiệp hữu cơ, thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, bảo quản ngân hàng gen, giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý. Không chỉ được bảo tồn, mà các loại giống cây trồng, vật nuôi này sẽ được đầu tư, lai tạo nâng cấp… để đưa vào sản xuất đại trà. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để phát huy thế mạnh nông nghiệp của Hà Nội cũng như góp phần giúp bà con nông hộ sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)