Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) có 5ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, tưới tự động. Theo Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối, công nghệ này không chỉ hạn chế được tối đa sâu bệnh mà còn giảm công chăm sóc, giá trị canh tác bình quân đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha.
Tương tự, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) có 3.000m2 trồng nấm sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi ngày công ty sản xuất được 3 tấn nấm các loại.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng là nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng… Trong chăn nuôi là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (đã được ứng dụng với 100% đàn bò sữa và 80% đàn bò thịt). Còn với lĩnh vực thủy sản, ứng dụng công nghệ "sông trong ao", làm giàu ô xy bằng quạt nước… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là con số rất khiêm tốn. Nguyên Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, Hà Nội mới có một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của thành phố; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, trong đó, phải kể đến những hạn chế trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám, để được thành phố hỗ trợ, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao phải bảo đảm 2 yếu tố, đó là đáp ứng theo tiêu chí của thành phố và nằm trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trong khi đó đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã đều không bảo đảm được 2 yếu tố trên.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết: Dù đã có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng việc áp dụng vào thực tế gặp nhiều khó khăn. Đến nay, thành phố vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19-6-2019 của UBND thành phố cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương.
Thực tế, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội về cơ bản có quy mô nhỏ. Mặt khác, đến nay, thành phố cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp…
Để tháo gỡ những bất cập, khơi thông chính sách, thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Du lịch thành phố Lê Tự Lực đề xuất, trước mắt, thành phố cần triển khai quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời xác định các vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế để bảo đảm quỹ đất ổn định, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tập trung rà soát những vướng mắc, bất cập trong thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao… để đề nghị Trung ương và HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cùng với việc khơi thông các cơ chế, chính sách, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, Hà Nội nên tập trung phát triển các công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, ứng dụng trong điều khiển canh tác; công nghệ chế biến nông sản, phát triển vật liệu mới áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… Điều này là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản của Thủ đô.
Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách chính là “chìa khóa” mở “cánh cửa” nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó phát triển một nền nông nghiệp đô thị hiện đại./.
NT (Theo Báo HNM)