Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển nền nông nghiệp xanh an toàn, hiệu quả

Hướng đến và phát triển nền nông nghiệp xanh là mục tiêu phát triển của nông nghiệp Thủ đô. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp Hà Nội đã định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.



Phát triển nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để bảo đảm nguồn cung ứng an toàn cho người dân vừa góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Sống xanh, tiêu dùng xanh... đang dần trở thành xu thế tất yếu trong cuộc sống. Để bắt kịp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp Hà Nội đã định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Tại cánh đồng lúa Thôn Mũi Né, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương mỹ nhiều năm nay người dân đã canh tác lúa thuận theo tự nhiên. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ và được giám sát qua hệ thống camera đồng ruộng. Chị Nguyễn Thị Mùi, Phó Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Nam Phương Tiến. Theo tính toán của hợp tác xã, trồng lúa hữu cơ vừa không ảnh hưởng đến sức khở của người nông dân mà giá trị kinh tế cao hơn 20% so với sản xuất thông thường.

Hay như mô hình nuôi giun quế làm thức ăn cho cho gia súc, gia cầm hay cho lợn nghe nhạc tưởng chừng như rất lạ lẫm nhưng đã thực sự hiện hữu tại trang trại nuôi giun quế GTH, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn do bà Nguyễn Thị Liên làm chủ. Với cách làm này, mỗi tháng trang trại của bà Liên cung ứng cho thị trường toàn miền Bắc khoảng 1 tấn giun giống, khoảng 100kg giun khô và cung ứng ra thị trường 1.000kg thịt lợn mỗi tuần. Mô hình doanh thu hàng năm từ trại giun quế khoảng 2 tỷ đồng. Điều đặc biệt, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được bà Liên nghiêm cứu xử lý bằng chế phẩm sinh học không gây ô nhiễm môi trường và đã được nhân rộng mô hình trên địa bàn Sóc Sơn.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Hà Nội cho rằng, với mục tiêu hướng tới xuất khẩu, việc thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của người nông dân.

Việc xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã được cụ thể hóa qua Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội. Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá: Chủ trương của Thành ủy đã xác định hướng phát triển bền vững cho nền nông nghiệp của Hà Nội gắn với quy hoạch chung về đô thị thông minh.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là mục tiêu của ngành nông nghiệp Hà Nội Đây cũng là hướng đi tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)