Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển kinh tế từ mô hình máy gặt đập liên hợp

Nhằm hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa đồng bộ, giải phóng sức lao động cho người sản xuất, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích các hộ đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Điển hình chị Nguyễn Thị Thuẫn (thôn Thái Bằng, xã Đồng Tân) là một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm đã phát triển thành công mô hình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào phục vụ bà con nông dân cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng/năm.



Chị Nguyễn Thị Thuẫn sinh năm 1978 ở thôn Thái Bằng (xã Đồng Tân), như bao cô gái quê khác lớn lên lấy chồng, công việc hàng ngày trồng rau, cấy lúa cái nghèo cứ bám vào gia đình bao nhiêu năm tháng. Uớc mơ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo luôn thôi thúc chị tìm hướng làm kinh tế.

Không cam chịu đói nghèo, trước sự phát triển của cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm thất thoát trong thu hoạch góp phần xây dựng nông thôn mới. Chị bàn với chồng mua máy làm đất và máy gặt đập liên hợp để phục vụ bà con nông dân.

Chị Thuẫn chia sẻ để mua được những chiếc máy làm dịch vụ nông nghiệp và có được thành quả như hiện nay. Năm 2014 nhờ có chính sách hỗ trợ cho vay vốn Quỹ Khuyến nông của Trung Tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ gia đình mua máy Gặp đập liên hợp không lãi suất  để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bản thân chị cũng đã chịu khó học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, các buổi tư vấn về máy dịch vụ nông nghiệp. Ban đầu vận hành máy móc cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc điều khiển máy móc chưa quen dẫn tới máy bị hỏng nhiều, các thiết bị thay thế phải ra công ty mới mua được, công việc ít, lợi nhuận chưa cao.

Sau một thời gian hoạt động dịch vụ gặt máy cho bà con nông dân chị đã mở rộng phục vụ và phát triển được thị trường không những trong xã trong huyện mà còn gặt lúa, làm đất ở các địa bàn khác. Không chỉ tạo thu nhập, cải thiện điều kiện cuộc sống cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thời vụ trong thời gian khoảng 4 tháng/năm cho 6 lao động, với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Gia đình chị mỗi năm thu về khoảng 150 triệu/ đồng. Thành công ban đầu như tiếp thêm động lực chị Thuẫn quyết tâm mở rộng kinh doanh, chị mạnh dạn bàn với gia đình mua thêm máy gặt và máy làm đất. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương chị được vay các nguồn vay hỗ trợ mua máy sản xuất nông nghiệp chị tiếp tục mua thêm máy đến nay gia đình chị có 3 máy làm đất và 2 máy gặt đập liên hợp.

Để phục vụ dịch vụ sản xuất nông nghiệp khép kín chị có kế hoạch đầu tư thêm máy cấy lúa phục vụ công đoạn cấy lúa cho bà con và máy lên luống phục vụ cho công tác trồng khoai, trồng ngô…

Ngoài phát triển kinh tế gia đình giỏi chị còn là là Ủy viên Mặt trật tổ quốc Việt Nam huyện, xã. Ủy viên BCH hội liên hiệp phụ nữ xã Đồng Tân, chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Thái Bằng. Chị luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, luôn gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân, chị luôn tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi để hội viên gắn kết, giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất. Đặc biệt chị Nguyễn Thị Thuẫn còn tích cực vận động các hội viên tham gia các hoạt động của hội, đặc biệt thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu. Hằng năm chị được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được hội viên tín nhiệm./.

Lê Thị Xới - Trung tâm DVNN huyện Ứng Hòa