Tính đến năm 2023, cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Nhưng có đến 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Hiện tại các cơ quan quản lý mới kiểm soát khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập về chính sách. Quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ hoạt động không phép, vi phạm quy định. hệ thống pháp luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế; Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe; Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung không phù hợp, thiếu hiệu quả; Thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp; Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay…
Để quản lý hiệu quả hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm các chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giết mổ, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”. Quy hoạch lại “mạng lưới cơ sở giết mổ”, tập trung vào các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phân công rõ ràng và gắn trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan chức năng. Cần nhân rộng các mô hình điển hình về giết mổ tập trung./.
Minh Cường