Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển hiệu quả các mô hình nông sản an toàn

Với diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, trên cơ sở lợi thế của từng vùng, Hà Nội triển khai xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng thương hiệu cho các vùng nông sản an toàn.



Ông Đinh Trọng Quý, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm chia sẻ, hộ gia đình ông đã thực hiện quá trình chuyển đổi của xã, ông cũng đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc và trồng hoa cây cảnh. Từ sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ Khuyến nông thành phố và sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì gia đình ông Quý cũng đã hoàn thiện và phát triển bền vững mô hình, mang lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, xã Văn Đức hiện còn hơn 300 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó khoảng 200 ha là vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn. Vốn là vùng trọng điểm sản xuất rau an toàn của Hà Nội, người dân nơi đây có kinh nghiệm lâu năm trong việc canh tác rau.

Thời gian qua, để phát triển thương hiệu rau Văn Đức, Hội Nông dân xã Văn Đức cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất rau an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con sản xuất theo chuẩn VietGAP và rau hữu cơ nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Hiện nay 1ha sản xuất rau của xã Văn Đức cho doanh thu khoảng 500-600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha/năm, giúp đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người nông dân.

Ông Chu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết, trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, huyện Gia Lâm cũng đã chuyển đổi 120 ha lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng.

Hội Nông dân huyện Gia Lâm cũng tiếp tục duy trì 202 tổ nhóm sản xuất PGS với trên 3.000 thành viên tham gia và duy trì 14 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các HTX dịch vụ nông nghiệp, các hộ dân và đơn vị liên quan. Đồng thời, thành lập 20 tổ hợp tác với 136 hội viên tham gia, với đa dạng các mô hình sản xuất kinh doanh như: sản xuất-tiêu thụ rau, quả an toàn, trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây giống, gốm sứ, may mặc, làm nến... Phối hợp hướng dẫn thành lập mới và ra mắt 03 Hợp tác xã (HTX sản xuất sợi chuối xã Kim Sơn, HTX du lịch Hội Gióng Phù Đổng và HTX trồng và chế biến dược liệu Phú Thụy, xã Phú Thị với 214 thành viên tham gia.

Sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị là xu thế tất yếu của thị trường để sản xuất bền vững. Bởi vậy, phát huy vai trò tổ chức Hội, Hội Nông dân huyện Gia Lâm cũng đã chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình nông sản an toàn,  đưa các giống mới, cây con mới vào sản xuất chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tạo dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của nông dân huyện làm ra. Qua việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao vai trò tổ chức Hội, gắn kết và đồng hành cùng nông dân trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển./.

TA (Theo Chinhphu.vn)