Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển du lịch nông thôn ở Đan Phượng

Phát triển du lịch nông thôn là một trong hướng đi nhằm nâng cao giá trị di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, du lịch sinh thái và thu nhập cho người dân. Để khơi dậy tiềm năng ngành du lịch không khói này, huyện Đan Phượng đang chú trọng nghiên cứu, định hướng xây dựng sản phẩm hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan.



Nhiều tiềm năng, lợi thế

Đến Đan Phượng, du khách sẽ hết sức ấn tượng về nét đẹp của làng quê với những ngôi làng, đình, chùa cổ kính, các lễ hội đặc sắc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, những di tích và công trình xưa cũ ấy vẫn giữ được nét đẹp với những bản sắc riêng. Trong số đó phải kể đến đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ), nơi đây thờ danh nhân Tô Hiến Thành, vị Thái úy nổi tiếng dưới 3 triều vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Đình Vạn Xuân cũng ở xã Hạ Mỗ là ngôi đình cổ có kiến trúc đặc biệt kiểu “nội vương, ngoại quốc”, nơi thờ Lý Bát Lang, Hậu Lý Nam Đế, là vị quân vương có công đánh giặc Lương xâm lược…

Di chuyển sang xã Song Phượng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Đôi Hồi. Nơi đây, Cơ quan Báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh hoạt động thời kỳ khởi nghĩa và cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cách đó không xã là đình Sông (xã Đồng Tháp), đây cũng là di tích lịch sử văn hóa và cách mạng cấp quốc gia, địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện Đan Phượng (ngày 19/5/1947).

Ngắm những công trình kiến trúc đẹp trường tồn với thời gian, du khách có thể tham quan đền Nhà Bà (xã Liên Hà), nơi thờ bà Sa Lãng, nữ tướng tài của Hai Bà Trưng, đây là di tích cấp quốc gia xếp hạng đầu tiên của huyện Đan Phượng. Hay đình Đại Phùng (xã Đan Phượng), một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thế kỷ XVII, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cũng ở xã Đan Phượng có chùa Đông Khê, ngôi chùa với hệ thống tượng Phật độc đáo, còn bảo tồn một số hiện vật có niên đại thời nhà Mạc.

Về Đan Phượng, du khách còn được đắm mình trong các lễ hội tiêu biểu. Trong đó, lễ hội đền Bồng Lai (xã Hồng Hà) được tổ chức vào ngày 14/3 âm lịch hằng năm, gắn với Thánh Mẫu Hạo Nương, phi tần của vua Lý Thánh Tông, thân mẫu thái tử Linh Lang. Lễ hội này nổi tiếng với tục rước nước và hội đua thuyền rồng. Cũng trong tháng 3 âm lịch hằng năm, du khách có thể đến tham quan hội thả diều làng Bá Giang (xã Hồng Hà), nơi đây có nghề làm diều sáo truyền thống nổi tiếng. Hội thả diều làng Bá Giang được công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, trên địa bàn huyện có 136 di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật có giá trị, trong đó, có 62 di tích đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng (37 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Xác định du lịch văn hóa là thế mạnh, sản phẩm đặc trưng, huyện đã tập trung tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bước đầu có sự thu hút nhất định khách du lịch đến tham quan. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển khác loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, làng nghề để kích cầu du lịch nông thôn.

Tập trung khai thác thế mạnh

Giống nhiều địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội, lĩnh vực du lịch nông thôn của huyện Đan Phượng cũng gặp không ít khó khăn do công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn huyện dù được quan tâm nhưng thiếu chiến lược bài bản. Các loại hình dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi còn thiếu, chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng mang thương hiệu riêng. Hệ thống dịch vụ, du lịch tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm du lịch của huyện cũng chưa hình thành rõ rệt, chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, chủ yếu là du lịch văn hóa...

Để khai thác, phát triển lĩnh vực du lịch nông thôn, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp tích cực đưa Đan Phượng trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô và cả nước. Theo đó, huyện sẽ triển khai xây dựng bộ công cụ xúc tiến quảng bá du lịch; tập trung hoàn thành thuyết minh các điểm đến du lịch, các di tích quốc gia trên địa bàn; từng bước triển khai số hóa các tài nguyên du lịch thông qua môi trường mạng để quảng bá rộng rãi hình ảnh của huyện Đan Phượng...

Huyện Đan Phượng cũng sẽ tập trung phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng các ứng dụng trên môi trường mạng và cổng thông tin điện tử của huyện để thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch hiệu quả hơn. Đồng thời, liên kết với các đơn vị truyền thông du lịch xây dựng video 360 độ tại các điểm du lịch để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Đan Phượng. Tổ chức lễ đón nhận quyết định và công bố hai điểm đến du lịch xã Hạ Mỗ và điểm đến khu sinh thái Đan Phượng gắn với công tác truyền thông để quảng bá điểm đến du lịch…

“Du lịch nông thôn là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, làng nghề, lễ hội..., chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các công trình, sản phẩm dịch vụ, du lịch. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, lao động hiện có và cả dự nguồn ở các doanh nghiệp du lịch, cơ sở du lịch tư nhân; tăng cường hợp tác liên kết..., với mục tiêu là thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Thạc Hùng nhấn mạnh./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội