Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước, góp phần tạo ra các sản phẩm chăn nuôi chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước hướng tới xuất khẩu. Tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện nâng cấp và hiện đại hóa cho một số trung tâm sản xuất giống hiện có trên địa bàn, tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành giống vật nuôi tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất giống vật nuôi đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất giống vật nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản pháp luật liên quan. Tăng cường quản lý nuôi giữ đàn giống gốc vật nuôi, ưu tiên giống bản địa; nhập nội các giống có tiềm năng di truyền; xây dựng và hoàn thiện tháp giống đối với một số giống vật nuôi chủ lực, chọn tạo giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 chủ động sản xuất giống chủ lực cấp bố mẹ và thương phẩm có năng suất, chất lượng cao đưa Hà Nội trở thành trung tâm sản xuất con giống quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của Thành phố và các tỉnh, thành trong nước.
Bên cạnh đó, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với 1-2 sản phẩm chăn nuôi đặc thù và giống vật nuôi bản địa. Phát triển chăn nuôi theo Danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; phấn đấu đến năm 2030 hình thành, phát triển được 80% các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, vùng nguyên liệu; nguyên liệu thảo dược phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy hoạch của Thành phố.
Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp; tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp chiếm 70% tổng lượng giết mổ trên địa bàn; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm. Phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi đi từ sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Giải pháp thực hiện
- Xây dựng, áp dụng cơ chế, chính sách: của Trung ương, Thành phố, hỗ trợ kịp thời khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển; đặc thù về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Luật Thủ đô.
- Đẩy mạnh công nghiệp sản xuất giống vật nuôi: Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị tăng cường năng lực và hiện đại hóa từ 3-5 cơ sở sản xuất giống vật nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp công nghệ cao; Áp dụng công nghệ gen vào chọn tạo giống; Hỗ trợ phát triển các giống chủ lực có năng suất, chất lượng cao; Triển khai các hoạt động sản xuất, lưu giữ giống gốc vật nuôi, công tác thụ tinh nhân tạo gia súc; Xây dựng thương hiệu giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao kết hợp với xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm.
- Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi: Hỗ trợ hạ tầng, ưu đãi đầu tư cho 1-2 cơ sở đổi mới công nghệ đồng bộ, phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp theo hướng chuỗi giá trị gắn với vùng phát triển chăn nuôi; Phát triển vùng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên.
- Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.
- Hoạt động Khoa học và Công nghệ: Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo, nhân giống vật nuôi; công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn; Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong chế biến, bảo quản, vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm phụ sau giết mổ; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất quản lý, truy suất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của việc phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi; công nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ cao.
- Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước./.
TA (Theo Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội)