Linh hoạt thích ứng, chủ động sản xuất
Do tác động của dịch Covid-19, giá thịt lợn xuống thấp, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đan Phượng 9 tháng năm 2021 vẫn đạt 796 tỷ đồng (đạt 78,58% kế hoạch, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước). Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng- Nguyễn Hữu Hoàng, đạt được mức tăng trưởng này do huyện đã chủ động các phương án sản xuất cũng như tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội...
Tương tự, 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Anh đạt hơn 1.778 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Đông Anh đã chủ động điều chỉnh sản xuất, tập trung phát triển chăn nuôi để khắc phục những hạn chế do lưu thông, bảo quản nông sản...
Ở góc độ của nhà sản xuất, Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Chủ động chọn con giống chất lượng cao là các loại gà bản địa nổi tiếng, chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gen và bán con giống nên trong bối cảnh dịch Covid-19, công ty vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm cung ứng ra thị trường mỗi năm trung bình 45 vạn con, doanh thu 4,5 tỷ đồng…
Nói về sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô từ đầu năm đến nay, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ nhận định, nguyên nhân là do các phương án từ sản xuất đến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều được điều chỉnh liên tục, bám sát thị trường và diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó là sự vào cuộc sát sao của thành phố, các địa phương; sự chủ động từ doanh nghiệp, người dân…
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Những tháng cuối năm là thời điểm thị trường tiêu thụ nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, các địa phương cần có phương án sản xuất phù hợp; đồng thời, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng những kịch bản kết nối, tiêu thụ sản phẩm...
Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai -Bùi Văn Sáng, ngay sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, huyện đã kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất mở gian hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…; đồng thời tạo kênh bán hàng di động để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Còn Chủ tịch Nguyễn Hữu Hoàng thông tin: Dịp cuối năm, Đan Phượng sẽ tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; an toàn thực phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm.
Chủ động các phương án sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Huyền cho biết: Cùng với việc liên kết với các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, hợp tác xã đã chủ động kết nối trực tuyến với các khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố để tiêu thụ rau an toàn, bưởi Diễn...
Để đẩy mạnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm, ông Chu Phú Mỹ cho hay: Từ việc phân tích nhu cầu của thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong vụ đông, bảo đảm tăng nguồn cung vào dịp cuối năm. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản.../.
Nguồn: danviet.vn