Đối mặt với “bão giá” nguyên liệu
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi các loại vật tư đầu vào đều tăng phi mã. Ông Nguyễn Văn Hợi (ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) cho biết, chưa bao giờ giá các loại phân bón lại tăng cao như hiện nay, giá phân đạm lên tới gần 20.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2020.
“Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Người nông dân gắn bó với đồng ruộng, “lấy công làm lãi”, mà giá phân bón tăng cao thì gần như không có lãi”, ông Hợi cho biết thêm.
Không chỉ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao. Ông Bạch Văn Hộp (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng 7.000 - 8.000 đồng/bao (loại 25kg/bao). Cám viên lợn có giá 350.000 đồng/bao (25kg), còn một số loại thức ăn đậm đặc khác lên đến 540.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên nên người chăn nuôi không có lãi.
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để nuôi lợn thịt đến trên dưới 100kg/con, phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng). Như vậy, hơn 1 tạ lợn hơi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, chưa kể các chi phí tối thiểu khác. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000 - 56.000 đồng/kg. Nếu người chăn nuôi chủ động được con giống thì hòa vốn, còn phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn…
Về nguyên nhân khiến các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lý giải, do nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn; cộng thêm giá xăng dầu tăng làm gia tăng cước vận chuyển, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và trong nước.
Đổi mới phương thức sản xuất
Trước thực trạng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… tăng cao, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, hợp tác xã khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm phân bón vô cơ.
Còn bà Phạm Thị Cưa, hộ chăn nuôi ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, để giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, gia đình đã sử dụng ngô, sắn và mua thêm các loại rau, cá, tôm tép, bã đậu tương… tự phối trộn thức ăn. Và tùy thuộc mỗi giai đoạn sinh trưởng sẽ áp dụng các công thức phối trộn thức ăn phù hợp, bảo đảm dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế phụ thuộc vào phân bón vô cơ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, qua đó tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài và các địa phương cần khuyến khích nông dân sử dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất.
Mặt khác, Bộ sẽ tập trung triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; vận động người chăn nuôi tăng cường sử dụng thức ăn tinh, giảm thức ăn thô và tận dụng tối đa phụ phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản…/.
NB (Theo Báo HNM)