Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Chính (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) cho biết, gia đình huy động 3 nhân lực tất bật cào ruộng, đắp bờ giữ nước. Chị Chính cho hay, dù âm hưởng của những ngày Tết chưa dứt nhưng từ ngày mùng 5 Tết, cánh đồng này đã nhộn nhịp. Đây đã là nếp sản xuất hàng thế kỷ qua nên không ai bảo ai, nhà nào có ruộng đều rục rịch kéo ra đồng bắt tay vào sản xuất vụ Xuân.
"Vụ này gia đình tôi gieo cấy 1 mẫu ruộng. Để bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất, chúng tôi dự kiến thuê thêm 2 nhân công để hoàn thành gieo cấy trong 3 ngày tới", chị Chính chia sẻ thêm.
Trong khi đó tại huyện Sóc Sơn, bà con nông dân cũng đang tích cực bắt tay vào sản xuất vụ Xuân 2022. Vừa cuốc đất be bờ để lấy nước đổ ải, chị Đỗ Thị Hương ở xã Phú Cường vừa cho biết, gia đình dự kiến canh tác 6 sào lúa. "Từ ngày có máy cày bừa, bà con làm nông cũng đỡ vất vả. Đổ ải xong, gia đình sẽ huy động mấy anh chị em họ hàng phụ cấy luôn. Diện tích ít nên dự kiến sẽ xong sớm...", chị Hương cho hay.
Anh Đặng Xuân Hùng, ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai chia sẻ, năm nay lịch lấy nước sớm hơn mọi năm, cho nên ngay từ trước Tết Nguyên đán gia đình anh đã thu hoạch rau màu vụ đông để đón nước, chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Rất may, mạ gieo đúng thời điểm thời tiết nắng ấm cho nên sinh trưởng, phát triển tốt.
"Năm nay gia đình tôi cấy giống QR15, J02. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, tranh thủ thời tiết ấm áp, tôi cùng gia đình tập trung ra đồng gieo cấy cho kịp khung thời vụ. Mong rằng năm nay thời tiết sẽ mưa thuận gió hoà để mùa màng được tốt tươi", anh Hùng chia sẻ thêm.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, vụ Xuân năm 2022, toàn huyện Quốc Oai phấn đấu gieo cấy 4.300 ha lúa. Cơ cấu thời vụ trà Xuân sớm chiếm 10% diện tích, trà chính vụ gieo cấy 90% diện tích. Huyện tiếp tục đưa các giống lúa năng suất chất lượng cao như: Thiên ưu 8, J02, TBR225, QR15, VNR20… vào gieo cấy.
Xác định đây là vụ sản xuất quan trọng, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các quy định, điều kiện trong sản xuất nông nghiệp; trong đó đặc biệt chú trọng cơ cấu giống và tuân thủ khung lịch thời vụ. Tính đến thời điểm trước Tết Nguyên đán toàn huyện đã gieo cấy được khoảng hơn 80% diện tích lúa cấy chạy lũ tiểu mãn. Diện tích đã làm đất đạt hơn 80%.
Ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội, địa phương đang tập trung vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch cây vụ Đông canh tác trên đất lúa. Tuyên truyền người dân tận dụng tối đa nguồn nước; thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó; tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí nguồn nước gieo cấy vụ Xuân.
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho thấy, toàn Thành phố đã gieo cấy được hơn 13.000ha lúa Xuân, đạt khoảng 17% kế hoạch. Một số huyện, thị xã có diện tích cấy lúa Xuân đạt cao là: Phúc Thọ, Ba Vì, Phú Xuyên… Đối với những địa phương có diện tích lúa gieo cấy trước Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng, theo dõi, chăm sóc lúa Xuân để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hỗ trợ sản xuất cho nông dân, Sở đã chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông các địa phương hướng dẫn bà con thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc mạ như: Che phủ nilon đúng kỹ thuật; điều tiết nước, bón phân, mật độ gieo… Đồng thời, chủ động các phương án đối phó với thời tiết bất thuận có thể xảy ra như rét đậm, rét hại kéo dài.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh hại đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã có khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện gieo cấy các giống lúa theo đúng cơ cấu giống của Thành phố. Bên cạnh đó, thực hiện gieo cấy lúa cùng trà trên cùng một xứ đồng để đạt năng suất, chất lượng cao./.
NT (Theo chinhphu.vn)