Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông dân Hà Nội làm giàu từ rau màu vùng đất bãi

Hà Nội vốn có nhiều con sông rộng, phù sa màu mỡ nên lâu nay người dân các vùng đất bãi hay tranh thủ canh tác các loại hoa màu. Với việc gắn kết thành các chuỗi sản suất, giá trị rau màu của các vùng đất này ngày một tăng lên.



Rau VietGAP phủ xanh bãi bồi Gia Lâm

Tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội, với ý thức giữ gìn thiên thiên và thói quen canh tác rau màu lâu năm nên suốt bốn mùa xã luôn phủ xanh các loại rau. Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập từ trồng rau, người dân địa phương đã chuyển đổi từ cách làm hợp tác xã (HTX) kiểu cũ sang kiểu mới.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, trước đây tuy HTX có đến 1.000 xã viên nhưng chỉ có 145 người góp vốn, tham gia với mức 1 triệu đồng/người.

Sau này, HTX đã chuyển đổi là đơn vị trung gian, liên kết giữa các thành viên với các doanh nghiệp để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất về diện tích, chủng loại cây trồng, bảo đảm đa dạng về sản phẩm cũng như sản lượng, chất lượng. Cả hai bên đều phải có trách nhiệm giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Về phía siêu thị, công ty phải có hợp đồng cam kết trách nhiệm thu mua hết sản phẩm đã ký, giá cả ổn định, nếu không bao tiêu hết phải bồi thường theo thỏa thuận.

Đến nay, hơn 200 ha đất bãi của Văn Đức đã phủ kín rau an toàn, trong đó 30 ha đạt chuẩn VietGAP. Với sản lượng khổng lồ 35.000 tấn rau, củ, quả các loại mỗi năm, ngoài HTX tiêu thụ phần nhỏ thì phần lớn được tư thương tiêu thụ trong các chợ. Giá rau hiện nay đang khá cao do nhiều nơi bị mất mùa bởi thời tiết nắng nóng và mưa nhiều nhưng riêng Văn Đức thì không.

Rau tại xã Văn Đức được dùng lưới trắng để che ruộng, trong điều kiện mưa lớn chúng xé nhỏ hạt mưa ra, trong điều kiện nắng to chúng tán xạ ánh sáng giúp cho cây trồng luôn được bảo vệ. Cùng với đó, người dân đã quây xung quanh ruộng bằng lưới trắng giúp cây không bị bí và nóng như quây ni lông, phát triển thuận lợi, đỡ sâu bệnh. Hiện lợi nhuận của mỗi ha rau ở đây đạt khoảng 450 - 500 triệu, đưa thu nhập của 1.200 thành viên và thành viên liên kết của HTX đạt 70 triệu/người/năm.

Cũng tại huyện Gia Lâm, HTX Nông sản An toàn Đặng Xá của xã Đặng Xá đã có 109 ha rau an toàn trong đó có 15 ha đạt chuẩn VietGAP, được phân làm hai loại hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới và ngoài trời. Hầu hết các loại rau, quả mẫn cảm với sâu bệnh hay sản xuất trái vụ như các loại cải, đậu, dưa chuột... đều được trồng trong nhà màng, nhà lưới.

Còn các loại rau sinh trưởng khỏe, ít mẫn cảm với sâu bệnh hay trồng đúng vụ như bí, dền, đay, mồng tơi, mướp, cà... được trồng ngoài trời. Tính trung bình trên 1 ha canh tác ở Đặng Xá đạt gần 1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng.

Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Đặng Xá đã giúp các hội viên của mình khi đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm, đầu vụ ứng hàng trước, cuối vụ thu hoạch bán sản phẩm rồi trả tiền sau. Hội Nông dân còn phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình đổi rơm lấy phân bón để vừa để tránh tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, vừa là những nguyên liệu tốt làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân hữu cơ hay che phủ cho cây trồng thay thế cho màng phủ ni lông.

Rau Thanh Trì xếp hạng OCOP 3 sao

Cũng men theo vùng đất bãi sông Hồng, rau của huyện Thanh Trì (đã vào khu vực nội đô và từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Theo người dân trồng rau tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì cho biết, đầu ra và giá cả các loại rau màu nói trên khá bình ổn, thương lái thu mua ngay tại ruộng. Vùng đất bãi sông Hồng, rất thích hợp với các loại rau màu, cả vụ hè và vụ thu….nên dù tính thu nhập từ trồng rau thì chưa hẳn cao nhưng do tính chất  ổn định nên người dân cũng có nền tảng để phát triển kinh tế và giữ được môi trường tươi xanh.

Tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, các hộ trồng rau OCOP 3 sao  được tập huấn quy trình trồng rau an toàn. Có sổ nhật ký theo dõi của từng cá nhân, và của nhóm trưởng. Hàng tuần, tháng, đoàn kiểm tra về thu sổ nhật ký theo dõi cách chăm sóc rau, màu của bà con, từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch, và có biểu dương, phê bình kịp thời.

Tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì người dân cũng sản xuất rau khá ổn định vì tại đây, HTX An Phát, đã thu mua đều đặn 3 lứa rau các loại, với giá cả giao động từ 10 - 15.000 đồng/kg.

Trước đây, nông dân tại xã Duyên Hà canh tác không áp dụng khoa học kỹ thuật, ví như: bón phân chuồng tươi cho rau, điều này phản khoa học và không an toàn... Mặt khác, bón phân cũng phải cân đối, thuốc trừ sâu cũng vậy, trước đây phun tràn lan, nay theo dõi thường xuyên, thấy sâu nhiều mới phun. Rau còn nhỏ phun thuốc dài ngày, nếu gần thu hoạch phun thuốc ngắn ngày, phun đúng, phun đủ theo khuyến cáo mới được thu hái.

Nhưng hiện nay, với hơn 100 hộ dân sản xuất rau VietGAP vùng bãi, chủ yếu bón phân vi sinh, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Cùng với đó tất cả người tham gia sản xuất, từ cán bộ đến trưởng nhóm, và người sản xuất đều phải có sổ ghi chép. Bởi cán bộ của HTX An Phát và trưởng nhóm có thể đến kiểm tra bất kỳ lúc nào, nếu không tuân thủ quy định thì không nhập rau.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, cho biết, ở 2 địa phương vùng bãi Duyên Hà và Yên Mỹ đã được quy hoạch là vùng rau an toàn, với diện tích 147,5 ha, trong đó, diện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP là 109,4ha. Ngoài ra, Thanh trì còn chú trọng mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất, với 151 hộ dân, tham gia liên kết chuỗi tiêu thụ, với các doanh nghiệp như HTX An Phát, Công ty Davicorp, HTX Đại Lan, Công ty Thắng Loan, với tổng diện tích trên 37 ha./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)