Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nỗ lực làm giàu trên quê hương

Là hộ có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật, với sự kiên trì và tích cực học hỏi áp dụng kỹ thuật, anh Bùi Đình Dương (thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã xây dựng thành công mô hình nuôi ong lấy mật.



Là người sống trên địa bàn gần Vườn Quốc gia Ba Vì, đồi rừng nhiều, nhận thấy nghề nuôi ong thích hợp với đồi rừng địa phương, anh Dương đã bàn bạc với gia đình phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ban đầu kinh nghiệm chưa có, ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, anh Dương quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua đài, báo, cùng tham quan nhiều hộ nuôi ong trong và ngoài huyện. Đến thời điểm hiện tại, anh đã có gần 600 đàn ong bao gồm cả ong nội và ong ngoại.  Để đảm bảo ong có thức ăn từ các loại hoa, anh Dương còn di chuyển đàn ong đi lấy mật ở các khu vực tỉnh Sơn La, Hòa Bình và các khu vực trên địa bàn huyện Ba Vì. Nhờ vị trí nuôi và thời tiết thuận lợi, lượng thức ăn dồi dào nên đàn ong của anh cho nhiều mật. Trung bình mỗi tháng, mỗi thùng ong cho thu hoạch mật từ 3 đến 4 lần tùy theo thời tiết. Mật quay đến đâu được người dân đặt mua hết đến đấy. Mỗi lít mật hoa nhãn anh bán từ 150.000 đồng - 250.000 đồng/lít, mật hoa rừng anh bán 200.000 đồng/lít. Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh Dương còn cung cấp cho nhiều hộ nuôi ong trong và ngoài xã từ chân tầng ong, thùng ong, vật tư nuôi ong. Mỗi năm anh thu được khoảng 300 tấn mật. Cùng với sản xuất kinh doanh các vật tư nuôi ong, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Chiển (xã Tản Lĩnh) cho biết: “Tôi thường mua mật ong của anh Dương. Tôi thấy chất  lượng rất tốt, giá cả hợp lý”.  

Nói về kinh nghiệm nuôi ong, anh Dương chia sẻ: “Nuôi ong cũng đơn giản. Con ong có tổ chức rất cao, mình phải chịu khó để ý cách nhân chia đàn, tạo giống, tạo chúa mới. Khi ong bị bệnh thì bổ sung thuốc và chữa trị. Nuôi ong cho năng suất và hiệu quả kinh tế tốt. Bên cạnh đó, nuôi ong phải chịu khó, tỷ mỷ để biết được các đặc tính của con ong”.  

Với việc nuôi ong và sản xuất, kinh doanh vật tư nuôi ong, anh Dương đã tạo việc làm cho 7 lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc nuôi ong lấy mật, hàng năm anh còn nhân đàn để bán ong giống, vì vậy hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Anh đã liên kết với các hộ nuôi ong trong thôn thành lập Hợp tác xã nuôi ong với 10 hội viên để chia sẻ kỹ thuật nuôi ong, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Nhờ nuôi ong, cuộc sống gia đình anh Dương và các hộ trong HTX nuôi ong thôn Cua Chu ổn định, khá giả. Trong thời gian tới, anh và các thành viên câu lạc bộ tiếp tục nhân rộng đàn ong, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương./.

 Hồng Đạt - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì