Là địa phương thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, thu ngân sách đạt thấp, hạ tầng nông thôn còn khó khăn, lại nằm trong hành lang thoát lũ nên rất khó đầu tư và thu hút đầu tư vào địa bàn... Đó là những rào cản khi huyện Phúc Thọ triển khai xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 10 năm về trước, hiện tại, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, diện mạo nông thôn Phúc Thọ đã khởi sắc rất nhiều. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 369km đường giao thông, 168km kênh mương... Trên địa bàn huyện đã có 49/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 70%); hệ thống điện, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được đầu tư chỉnh trang, xây dựng mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân...
Để đạt được những kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai, Phúc Thọ đã có nhiều cách làm sáng tạo, bám sát thực tế địa phương. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, nhận diện đúng khó khăn, thách thức, Phúc Thọ tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Cùng với đó là triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội như: Mô hình ngày sinh hoạt cộng đồng theo chủ đề như: Dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng... Trong số này, mô hình Ngày sinh hoạt cộng đồng về xây dựng nông thôn mới gắn với dồn điền đổi thửa được xem là điểm sáng của huyện. Theo đó, năm 2013, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa thông qua Diễn đàn “Sinh hoạt cộng đồng gắn với kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Toàn huyện có 180 thôn, cụm dân cư ở 23 xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại 169 điểm, thu hút hơn 31 nghìn người tham gia. Sau thành công của tổ chức sinh hoạt cộng đồng năm 2013 này, huyện tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt cộng đồng, qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hưởng ứng sự tham gia của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Hay khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ xây dựng mô hình “Làng đọc sách” và “Làng hát chèo”. Với mô hình “Làng đọc sách”, huyện khuyến khích phát huy hiệu quả hoạt động thư viện huyện và các tủ sách trên địa bàn, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Còn mô hình “Làng hát chèo” góp phần khôi phục, phát triển, quảng bá nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương, qua đó, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của UBND huyện Phúc Thọ, những mô hình như vậy đã tạo động lực phát triển mới cho Phúc Thọ.
Phúc Thọ cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã với đại diện nhân dân. Năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/HU ngày 16-9-2014 về “Tổ chức đối thoại giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy với đại diện nhân dân huyện Phúc Thọ năm 2014”. Đây là lần đầu tiên công tác tiếp xúc đối thoại với nhân dân được diễn ra trên địa bàn huyện. Nội dung đối thoại đi sâu vào các lĩnh vực như phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Thông qua đối thoại, Phúc Thọ chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc, chính đáng của nhân dân, qua đó, người dân thực sự phát huy được quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và nhân dân; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng nhân dân để từ đó có sự điều chỉnh chính sách và cách làm phù hợp thực tiễn...
Đồng thời, huyện chú trọng việc tiếp dân, giải quyết đơn thư với quan điểm “tăng đối thoại, giảm đơn thư”; “mỗi tuần, mỗi tháng giải quyết dứt điểm một vụ việc”. Với tinh thần ấy, huyện đã giải quyết được hàng chục vụ việc tồn đọng, trong đó có những vụ việc tồn đọng 20, 30 năm...
Từ tháng 6-2017, Phúc Thọ đã phát động cuộc vận động ba sạch: Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm của người dân về một nền nông nghiệp an toàn, cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, cũng như trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho hôm nay và mai sau. Phúc Thọ cũng đã phát động cuộc thi “Đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp” để mỗi người dân nhận thức đầy đủ hơn vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phúc Thọ đã huy động được hơn 3.781 tỷ đồng đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... ở các thôn làng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với những nỗ lực không ngừng và thành quả đáng ghi nhận, Phúc Thọ hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã từ năm 2018 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Xây dựng nông thôn mới là “hành trình” không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân. Bước sang giai đoạn 2021-2025, Phúc Thọ đặt mục tiêu có 8-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến. Trong năm 2022, Phúc Thọ đã tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới theo bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt; phấn đấu đưa các xã Võng Xuyên, Hát Môn “về đích” nông thôn mới nâng cao./.
TX (Theo Báo HNM)