Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiều hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021.



Theo kế hoạch, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, “Tháng hành động” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Đồng thời, gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Trong khuôn khổ “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 với chủ đề chính của năm 2021 như đã nêu, còn diễn ra nhiều hoạt động: Lễ tổ chức triển khai “Tháng hành động”; triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP…

Để làm tốt các sự kiện, tại thành phố sẽ huy động các cơ quan báo, đài của thành phố và Trung ương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP, các VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện ATTP và kiến thức khoa học về ATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn; giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn và biểu dương các cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt tập trung đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh đối với công tác bảo đảm ATTP.

Tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP. Huy động hệ thống loa truyền thanh quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về ATTP. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội