Đây là hoạt động triển khai Quyết định số 1138/QĐ-UBND, ngày 04/4/2022, của UBND Thành phố về việc giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô; Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25/5/2022 của UBND Thành phố triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin khái quát về hiện trạng lĩnh vực phát triển nông nghiệp, gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; phát triển các làng nghề và hạ tầng phòng chống thiên tại và thuỷ lợi trên địa bàn thành phố.
“Hiện, có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội nhưng phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh. Tốc độ đô thị hoá rất nhanh thời gian qua đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp, làm mất đi nhiều giá trị lịch sử văn hoá của nông nghiệp để lại từ ngàn xưa. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã dồn điền thổi thửa nhưng còn manh mún, kinh tế hộ gặp nhiều khó khăn, khó tập trung thành vùng sản xuất lớn. Đất đai nông nghiệp thiếu ổn định. Có hiện trạng người dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất, dẫn đến một phần diện tích lớn đất bị bỏ hoang…”, ông Tạ Văn Tường nêu thực trạng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực phát triển rừng, lâm nghiệp, việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn rất hạn chế, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu các quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng. Về quy hoạch đê điều thuỷ lợi, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông là vấn đề báo động, dẫn đến cần tư duy mới trong quy hoạch về đê điều, thuỷ, khai thác nạo vét sông, xử lý cảnh quan môi trường…
Định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô giai đoạn tới, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mong muốn trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cần đưa ra tư duy mới về không gian phát triển. Từ hiện trạng khó khăn được nêu ra như trên, ông Tạ Văn Tường lưu ý, không gian phát triển nông nghiệp cần được chia ra theo 4 khu vực: Khu vực trong nội đô (phát triển nông nghiệp trên sân thượng theo chiều thẳng đứng, các khu vực xen kẹt, các công viên trên cao…); khu vực trong Vành đai 4 tạo cảnh quan không gian môi trường sinh thái hài hoà cho đô thị; khu vực trong phạm vi 5 đô thị vệ tinh gắn liền với nhiều cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá, nhiều giá trị bản địa trong sản xuất nông nghiệp và các khu vực trọng điểm phát triển nông nghiệp tại một số huyện ngoại thành. Đây là nơi tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo ra chuỗi giá trị lớn, tạo liên kết vùng với các tỉnh.
Cũng tại Hội thảo, đại diện một số huyện, thị xã như Sóc Sơn, Sơn Tây nêu hiện trạng phát triển cùng những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn để đề xuất những kiến nghị, đóng góp ý kiến phục vụ cho quy hoạch phát triển dài hạn sau này.
Trong phần lớn thời gian làm việc, các chuyên gia dự Hội thảo đã phát biểu, đóng góp ý kiến làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến định hướng quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản Thủ đô.
Với quan điểm nông nghiệp Hà Nội phải có đặc điểm nhận diện đặc trưng, GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện gợi ý, đặc điểm này là phát triển nông nghiệp hàng hoá có giá trị gia tăng cao, đa giá trị theo hướng phát triển xanh, tuần hoàn; phát triển nông nghiệp với tư duy theo kiểu công nghiệp, tổ chức sản xuất công nghệ cao. Theo ông, Hà Nội cũng cần phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ven đô. Để giữ hồn cốt văn hoá xứ Đoài, văn hoá Tràng An, Thành phố nên quy hoạch các làng quê với nghề nghiệp truyền thống, phát triển kinh tế du lịch cùng nông nghiệp, dịch vụ như tại các làng cổ Đường Lâm, Cự Đà, Vạn Phúc…
Còn theo TS. Nguyễn Văn Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, định hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội là nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao và hữu cơ. Các chính sách quy hoạch liên quan đến nông nghiệp phải tạo điều kiện để lĩnh vực này phát triển ổn định, mang tầm nhìn dài hạn. Các đặc sản nông nghiệp của Hà Nội như cốm làng Vòng, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… cũng phải được coi là nguồn lực văn hoá, góp phần phát triển Thủ đô.
Cũng tại Hội thảo, TS, Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số chuyên gia khác cùng lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội bổ sung vào báo cáo thông tin phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô những thông tin về kinh tế, văn hoá, xã hội liên quan đến phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau hàng chục ý kiến phát biểu tham luận, trao đổi, phát biểu tiếp thu và kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm bàn thảo, tập hợp những vấn đề mang tính gợi mở về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
“Sau buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thành tốt quy hoạch ngành. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng Sở trong triển khai, hoàn thành các bước tiếp theo, trong đó, có việc tổ chức lấy ý kiến làm rõ các vấn đề đặt ra trong định hướng phát triển nông, lâm nghiệp Thủ đô” , TS. Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh./.
TA (Theo nongnghiep.vn)