Sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị ở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình điển hình của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt, từ diện tích ban đầu 5ha, đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng lên hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp. Toàn bộ lúa được thu hoạch, chế biến, xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố và xuất khẩu...
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang cho biết, những năm qua, huyện đã thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Nông dân thành phố và UBND huyện, nông dân Chương Mỹ từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo chuỗi giá trị cao. Theo đó, đến nay, Chương Mỹ có 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn cũng chủ động xây dựng các mô hình theo chuỗi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân chia sẻ, những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Sóc Sơn xây dựng được 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ; 76 tổ hợp tác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; 63 tổ hội nghề nghiệp... Mục đích của Hội là tập hợp hội viên phát triển kinh tế theo chuỗi, tạo ra sản phẩm giá trị cao và có sức cạnh tranh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, việc hướng dẫn nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của Hội Nông dân thành phố. Mỗi năm, Hội Nông dân các cấp đều chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu xây dựng các mô hình theo chuỗi. Theo đó, hằng năm có tới hơn 100 mô hình kinh tế theo chuỗi của các cấp Hội Nông dân được hình thành, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo diện mạo mới cho nông thôn Hà Nội. Để tiếp tục nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, chính quyền các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng nhiều mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, Chi cục tiếp tục cùng nông dân Thủ đô xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả để cung cấp lượng sản phẩm đủ lớn, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ nông dân chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, coi đây là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo đà cho các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.../.
NB (Theo Báo HNM)