Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghiên cứu phục tráng nguồn gen giống nông nghiệp đặc sản

Giai đoạn từ năm 2023 - 2027, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ nghiên cứu phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen nhiều giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đặc sản tại nhiều vùng miền trên cả nước.



Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Theo đó, có 9 đề tài nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản được lựa chọn.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ sẽ nghiên cứu, phục tráng và phát triển ba giống vú sữa (Lò Rèn, tím và bơ hồng) tại Đồng bằng sông Cửu Long; cây kiệu tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; các giống khoai môn Bảo Yên, khoai sọ Tủa Chùa và Hua Păng Mộc Châu tại vùng núi phía Bắc và giống lúa nếp Cáy Nọi tại một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng sẽ nghiên cứu, phục tráng và phát triển nguồn gen nấm lim, cùng hai giống thủy sản gồm: Cá mè hôi ở Đồng bằng sông Cửu Long và hải sâm đen. Ngoài ra, các giống lợn lang hồng và lợn Vân Pa, cùng gà Bang Trới cũng sẽ nằm trong danh mục các đề tài nghiên cứu phục tráng, bảo tồn của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ được Bộ phê duyệt không chỉ hướng đến việc phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc sản tại các địa phương trên cả nước, mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi, bảo đảm đa dạng sinh học.

“Việc phục tráng và bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc sản còn hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị và hiệu quả sản xuất hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cư dân bản địa” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp & PTNT) cho biết, hiện nay đơn vị đang tổ chức tuyển chọn đơn vị chủ trì, cá nhân chủ nhiệm để thực hiện 9 nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được tuyển chọn, trình Bộ NN&PTNT xem xét, phê duyệt. Thời gian thực hiện các đề tài sẽ bắt đầu từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành từ 2 - 4 năm./.

NB (Theo Báo KTĐT)