Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày quản lý 40 học sinh, chiều và tối quản lý hơn 30.000 gà

Đó là câu mà nhiều người gọi vừa đùa vừa thật về anh Đoàn Văn Lới, giáo viên kiêm chủ trại chăn nuôi gà đẻ ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.



Tất cả những biến động chỉ như cơn sóng nhỏ

Công việc nào cũng đòi hỏi sự đầu tư công sức, tâm huyết mới có thể thành công. Vốn là một giáo viên, hơn 10 năm trước anh Đoàn Văn Lới tiếp quản khu trang trại từ bố anh khi nghề nuôi chim cút đã có phần sa sút nên quyết định chuyển sang nuôi gà Ai Cập đẻ với quy mô ban đầu 10.000 con.

Gà Ai Cập hơn gà đỏ công nghiệp siêu trứng ở chỗ trứng ngon hơn, thơm hơn, còn tất cả các yếu tố khác đều thua như tỷ lệ đẻ thấp hơn, tỷ lệ hao nhiều hơn, chống chịu bệnh kém hơn, quả trứng nhỏ hơn...

Chấp nhận thua thiệt nhiều thứ để đổi lại một thứ là vượt trội về chất lượng trứng của con gà Ai Cập, năm 2012, anh Lới quyết định đầu tư gần 2 tỉ đồng - số tiền rất lớn hồi ấy để mở một trại, trong đó khoảng ½ là vốn tự có, ½ là vốn vay gồm thế chấp 1 sỏ đỏ để lập phương án vay Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 300 triệu đồng và thế chấp 2 sỏ đỏ để vay Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT 800 triệu đồng.

Sau mấy năm ăn nên làm ra, muốn mở rộng sản xuất, anh đã vay tiếp lần thứ hai từ Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 300 triệu đồng. Và gần đây nhất, khi quy mô được đẩy lên 30.000 con gà, anh lại vay lần thứ ba từ Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 500 triệu đồng.

Vay cả 2 nguồn vốn, anh so sánh, ngân hàng thương mại có ưu điểm là được giải ngân nhiều, sau khi đáo hạn lập phương án vay mới giải quyết khá nhanh, chỉ khoảng 1 tuần đã được, nhưng nhược điểm là lãi suất cao hơn, 6 tháng phải đáo hạn 1 lần. Còn quỹ khuyến nông có ưu điểm lãi suất thấp, 2 năm mới đáo hạn nhưng nhược điểm là hạn mức chỉ tối đa 500 triệu đồng, sau khi đáo hạn, lập phương án vay lần mới, thủ tục thường kéo dài khoảng 3 tháng. Hiện trung bình trại gà mỗi ngày tốn tới 60 triệu đồng tiền mua thức ăn nên anh mong muốn được Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội nới rộng hạn mức thêm để không phải đi vay của những ngân hàng khác nữa.

Nghề nuôi gà đẻ có quá nhiều thăng trầm, nào đối diện với giá trứng lúc đắt lúc rẻ, nào đối diện với thị trường lúc “nóng”, lúc “lạnh”, nào đối diện với đủ loại dịch bệnh mới phát sinh nhưng anh Lới nhận định tất cả vẫn chỉ là những cơn sóng nhỏ so với cơn sóng lớn của đợt dịch cúm gia cầm H5N1 hơn 10 năm về trước. Lúc đó chính sách chung của cả nước là khoanh vùng rộng, tiêu hủy để dập dịch, không cho lưu thông trứng cũng như bất cứ sản phẩm nào khác của gia cầm.

Thị trường bị “đóng băng” dài hạn nên lúc ấy cứ 10 trang trại chăn nuôi gia cầm thì 7 - 8 trang trại bị phá sản. Kiên trì và tâm huyết với nghề đã giúp cho anh vượt qua được đận gian khó đó, kinh tế dần dần vực lại được. Vài năm gần đây nhờ giá trứng khá tốt, anh đã tích lũy được cỡ dăm tỉ đồng.

Cái gốc của nghề chăn nuôi ở Phúc Lâm

Phúc Lâm là "thủ phủ" của nghề nuôi gà đẻ nói riêng cũng như nghề chăn nuôi nói chung của huyện Mỹ Đức một phần xuất phát từ bố của anh Lới - ông Đoàn Trọng Lý.

Năm 1989, sau khi đi Tiệp Khắc về có ít vốn, ông đã đầu tư nuôi 100 con chim cút. Hồi ấy cả tỉnh Hà Tây (cũ) mới có 2 người nuôi chim cút nên thu nhập rất đạt. Chương trình Gương điển hình làm giàu từ sản xuất nông nghiệp của Đài Truyền hình Hà Tây (cũ) đã bao lần vinh danh ông và bức tường nhà ông cũng treo kín giấy khen. Từ đó mà dân làng học tập theo, mạnh dạn đầu tư thử con này, con nọ và nghề chăn nuôi của cả xã phát triển lúc nào người ta cũng không hay.      

6 chuồng gà của anh Lới ở 2 khu khá gần nhau, thiết kế hiện đại và khép kín với hệ thống giàn mát, quạt tản nhiệt, ăn tự động, uống tự động, tổng đầu tư lên đến 10 tỉ đồng. Nét đặc biệt hiếm thấy là tuy nuôi gà kiểu công nghiệp, tập trung với số lượng lớn nhưng anh lại không dùng kháng sinh nhờ vào hai yếu tố chính là nước uống sạch và công nhân chăm sóc tốt.

“Khác với các trại thuê người không phải người thân của nhau, tôi thuê hai cặp vợ chồng, mỗi cặp làm ở một trại để họ không ganh tị nhau, chờ nhau mà tự dọn dẹp, tự chạy máy khi mất điện, tự kiểm tra hệ thống uống nước không để thiếu dù chỉ một vài phút. Ở trại của tôi, gà với người cùng uống nước chất lượng như nhau, đều qua lọc RO với 6 củ, chỉ có điều máy to nhỏ khác nhau”, anh Lới thổ lộ bí quyết.

Nhờ được tiêm vacxin đầy đủ, ăn sạch, uống sạch, sống trong môi trường trong lành nên gà ít mắc bệnh. Khi có một số con chẳng may bị bệnh thì anh chấp nhận loại bỏ chứ không cố chạy chữa bằng thuốc kháng sinh. Bởi thế mà ngay cả anh em bán vacxin của các công ty thuốc hay kỹ thuật của các công ty cám mỗi dịp đến trại đều tranh thủ mua trứng ăn hay để biếu người quen.

“Cứ luộc hai loại trứng trại của tôi và của trại đang dùng kháng sinh sẽ cảm nhận khác nhau hoàn toàn, chúng thơm hơn, ngon hơn. Không chỉ có thế, trứng gà của tôi nếu để tủ lạnh còn bảo quản được cả tháng, nếu hỏng 1 quả tôi cam kết đền 10 quả”, anh Lới tự tin khẳng định.

Một điều đáng tiếc là dù chất lượng ngon hơn, dù đạt chứng nhận VietGAP nhưng giá trứng của trại nhà anh khi bán vẫn chỉ bằng với trứng bình thường, hiện 2.500 đồng/quả; sản phẩm vẫn chưa vào được hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mà chỉ bán cho tư thương hay những người quen tới tận nơi để mua nhỏ lẻ.

Việc "cào bằng" giá bán này vô hình trung không khuyến khích được người làm ra những sản phẩm an toàn, không xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất. Nông nghiệp vẫn nằm ngoài quy hoạch, thả nổi cho người dân tự lo, tự đối phó với những rủi ro về thị trường, về dịch bệnh.

Anh Trịnh Văn Phòng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức cho biết, hiện Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội trên địa bàn có dư nợ 5 tỉ đồng cho vay cơ giới hóa đồng bộ và 1,5 tỉ đồng cho vay phát triển sản xuất.

Từ năm 2009, anh Phòng đã là cán bộ Quỹ, đến nay anh làm cán bộ kỹ thuật nhưng vẫn luôn gắn bó với nông dân.

“Khi sáp nhập Hà Tây (cũ) vào Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có quỹ, từ đó đến nay khi cho vay trên địa bàn huyện Mỹ Đức, chưa có hộ nào nợ quá hạn. Ít huyện nào đạt được hiệu quả như thế. Việc chọn điểm, chọn hộ rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của vốn vay. Khuyến nông chúng tôi luôn sát cánh cùng người dân khi chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn cây con mới và cuối cùng là cho vay vốn”./.

NB (Theo nongnghiep.vn)