Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cấp hệ thống trạm bơm, bảo đảm vận hành tưới tiêu trước mùa mưa lũ

Theo dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm nay sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, để hoàn thành kế hoạch diện tích gieo cấy và bảo đảm năng suất cây trồng, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cấp nước gieo cấy, tưới dưỡng lúa mùa. Cụ thể, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã và các tổ chức thủy lợi Thành phố nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương; xây dựng phương án trữ nước trong hệ thống kênh mương và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích trữ còn lại của các hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng. Đồng thời phối hợp với tổ chức thủy lợi Thành phố bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước.



Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết, trong vụ mùa năm nay, xí nghiệp có nhiệm vụ cấp đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng 4.220 ha lúa trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó, Trạm bơm Trung Hà phụ trách cấp nước cho hơn 2.387 ha, hồ Suối Hai là 1.069 ha. Nhưng do mực nước sông Đà xuống thấp đã khiến cho Trạm bơm Trung Hà không thể vận hành.

Cụ thể, trong 3,4 năm trở lại đây mực nước trên các sông ngày càng thấp nên Trạm bơm Trung Hà vận hành được rất ít, đặc biệt năm 2023 vụ Xuân không vận hành được ngày nào, thậm chí đến thời điểm này cũng vậy. Diện tích tưới của Trạm bơm Trung Hà rất lớn, gấp đôi hồ Suối Hai, nhưng do không vận hành được nên lượng nước tưới trên địa bàn huyện phải dùng của hồ Suối Hai. Hồ Suối Hai cũng phải sử dụng nhiều biện pháp bơm và những nguồn nước khác để cung cấp nước tưới, tuy nhiên đến nay cũng đã hết nước. Tính đến ngày 12/7, mực nước chỉ còn 20cm nữa là chạm đến mực nước chết, dung tích còn lại rất ít, không đủ để đảm bảo tưới dưỡng các đợt tiếp theo. Vì vậy vẫn phải chờ mưa để có thể tích thêm được nước phục vụ tưới dưỡng.

Tuy nhiên, trong quá trình phục vụ sản xuất đơn vị cũng đã đảm bảo tưới được khoảng 80% diện tích có nước và tính đến thời điểm này nhân dân trên địa bàn Ba Vì cơ bản đã cấy xong.

Theo kế hoạch Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, vụ mùa năm nay, thành phố phấn đấu gieo trồng khoảng 92.283 ha, trong đó có 72.382 ha lúa. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn, trong tháng 7 và thời gian tới Hà Nội sẽ có nhiều đợt mưa lớn gây ra nguy cơ ngập úng cho hàng nghìn ha lúa. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp bảo đảm cung cấp nước tưới dưỡng cho lúa mùa, Hà Nội cũng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp cho việc tiêu úng trước và trong mùa mưa lũ.

Tại huyện Mỹ Đức, Trạm bơm Phù Lưu Tế 1 là công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai của huyện Mỹ Đức, thực hiện tưới, tiêu cho hơn 1.120ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh của các xã: Hợp Tiến, Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Hồng Sơn và thị trấn Đại Nghĩa. Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng, công trình này đã được xây dựng từ lâu, động cơ cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nên hiệu suất của trạm bơm đến nay chỉ đạt 60% - 65% công suất thiết kế. Một điểm đáng quan ngại là còn xuất hiện dòng thấm lớn từ bể xả vào bệ đặt máy, điều này sẽ rất dễ dẫn đến sự cố về điện, gây mất an toàn.

Theo ông Phan Văn Tân, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Ba Vì, huyện Ba Vì là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện. Nếu Trạm bơm Trung Hà được cải tạo nâng cấp để đảm bảo tình trạng tưới thì vấn đề bảo đảm nguồn nước tưới sẽ được ổn định bình thường. Nhưng do mực nước sông hạ quá thấp nên hiện nay mực nước sông không qua được cống, không chảy được vào Trạm bơm, nguồn cho trạm bơm không đảm bảo. Chúng tôi mong muốn được khôi phục nguồn nước sông Đà, sông Hồng và Trạm bơm Trung Hà, vì phải lấy nước được từ những nguồn này mới đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

"Về vấn đề bảo đảm tiêu úng, Ba Vì vẫn có các trạm bơm tiêu dọc các tuyến kênh tiêu chính, nếu lượng mưa vừa phải sông tích tiêu được thì vẫn tiêu tự chảy, còn nếu không tiêu tự chảy được thì đơn vị sẽ cho vận hành các trạm bơm tiêu dọc bờ kênh tiêu Cổ Đô- Vạn Thắng-là trục tiêu lớn của địa bàn huyện Ba Vì. Thông qua các trạm bơm này thì việc tiêu úng sẽ được vận hành kịp thời và bảo đảm tiêu úng", ông Tân cho biết thêm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trạm bơm tiêu úng trên địa bàn Thành phố đang bị xuống cấp như: Đầm Mới, An Sơn, Thượng Phúc, Yên Cốc (huyện Chương Mỹ), Ngọ Xá 1 và 2 (huyện Ứng Hòa)… Hay một số nơi có địa hình thấp, trũng nhưng chưa có trạm bơm tiêu, như khu vực xã Tiền Phong, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì); nhiều tuyến kênh, trục tiêu của Hà Nội đang bị bồi lắng hay có hiện tượng lún sạt, tiêu biểu như trục sông Nhuệ, đê sông Mỹ Hà (huyện Mỹ Đức)…

Như vậy, bên cạnh việc dự báo về những đợt mưa lớn sẽ xảy ra trong thời gian tới có nguy cơ dẫn đến ngập úng, cùng với thực trạng tồn tại xuống cấp của các công trình thủy lợi thì hàng nghìn ha lúa mùa của Thành phố sẽ có khả năng bị thiệt hại, ngập úng.

Để khắc phục tình trạng này, theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây mới nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn. Qua đó đã có nhiều dự án nâng cấp hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành được triển khai, như các trạm bơm: Bộ Đầu (huyện Thường Tín), Văn Khê (huyện Mê Linh), Nhân Lý, Đầm Buộm, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ (huyện Chương Mỹ), La Làng (huyện Mỹ Đức)...

Trong vụ mùa năm nay, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương, tổ chức thủy lợi thường xuyên kiểm tra, chủ động xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, đơn vị, bảo đảm công trình vận hành an toàn phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão; khẩn trương thực hiện giải tỏa đăng chặn, bèo rác và các vật cản trên sông, kênh, mương bảo đảm thông thoáng lòng dẫn, phục vụ tiêu thoát nước chống úng ngập; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện xử lý nghiêm túc, kiên quyết các trường hợp vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật...

Để triển khai, các địa phương, tổ chức thủy lợi thành phố đã kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, đồng thời xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, phối hợp với các công ty điện lực trong bảo đảm an toàn, cung cấp đủ điện để vận hành hệ thống tiêu úng.../.

TA (Theo www.chinhphu.vn)