Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện nay, các HTX nông nghiệp của Hà Nội đã từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện thành phố có 1.278 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2020 là 1.705 triệu đồng, lãi bình quân/năm của HTX nông nghiệp là 168 triệu đồng, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 26 triệu đồng/năm.
Một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã chú trọng đến việc lựa chọn người đứng đầu có năng lực, trình độ; có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đầu tư. Đồng thời xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh thích ứng, đáp ứng với cơ chế thị trường; đa dạng dịch vụ hoạt động phục vụ số lượng thành viên lớn (1.000 thành viên), đem lại hiệu quả trong sản xuất và nâng cao đời sống, thu nhập thành viên HTX. Bên cạnh đó, nhiều HTX chuyên ngành thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư vốn; xây dựng phương án sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hình thành liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm và tổ chức xúc tiến thương mại phát triển thị trường.
Đặc biệt, toàn thành phố hiện có 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 64 HTX với 282 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP; 78 HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử Qrcode; một số HTX đã tổ chức sản xuất theo hướng chất lượng an toàn, có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ…
Các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tập trung ứng dụng cơ khí hóa đồng bộ vào trồng trọt như mạ khay, máy cấy, máy cày bừa, máy gặt đập….; sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ vi sinh, nuôi trong chuồng kín, có hệ thống xử lý môi trường.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Điển hình như: Mô hình sản xuất giống và Hoa lan Hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Mô hình sản xuất rau thủy canh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…/.
NT (Theo Chinhphu.vn)