Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao năng lực phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội

Với hệ thống thiết bị phân tích hiện đại, phòng kiểm nghiệm vi sinh đạt chuẩn, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đang khẳng định được năng lực trong hoạt động kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp và vật tư nông nghiệp. Những năm qua, Trung tâm đã chủ động hoàn thiện các năng lực, điều kiện pháp lý cho hoạt động kiểm nghiệm và hoạt động chứng nhận, đáp ứng các quy định của pháp luật, đồng thời, đẩy mạnh công tác đánh giá, chứng nhận và phân tích chất lượng nông sản, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.



Hiện tại, Trung tâm có tổng số 18 hệ thống thiết bị kiểm nghiệm hóa và 80 thiết bị phụ trợ và 1 phòng phân tích vi sinh sử dụng kỹ thuật vi sinh truyền thống. Giai đoạn 2016 - 2020 Trung tâm đã mua sắm thêm các thiết bị chính, thiết bị phụ trợ, mở rộng tính năng của hệ thống thiết bị đã có nhằm phát triển năng lực phân tích trên một số đối tượng nông sản thực phẩm và vật tư nông nghiệp, đáp ứng quy định của pháp luật cho hoạt động phân tích. Phòng kiểm nghiệm hóa học của Trung tâm đã tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng của Tổ chức FAPAS (Anh Quốc) với sự tham gia của hơn 100 phòng thí nghiệm tại Việt Nam và quốc tế (286 chỉ tiêu) nhằm hướng tới mục đích để các phòng thí nghiệm tự xem xét đánh giá năng lực, độ chính xác, độ tin cậy của kết quả thử nghiệm.

Theo bà Bùi Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm đã thực hiện phân tích được tổng số gần 37.000 kết quả phân tích/6.517 mẫu (trung bình mỗi mẫu phân tích 05 chỉ tiêu), đạt 220% so với số chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1570/QĐ-UBND là 16.800 chỉ tiêu phân tích mẫu. Riêng trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện các đợt kiểm tra phân tích chuyên sâu và bằng xe kiểm nghiệm nhanh, đã tiến hành lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm tại 23 công ty, 47 HTX, 4 chợ đầu mối và 15 chợ dân sinh, 30 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.Việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công tác giám sát ATTP. Quy trình lấy mẫu và phân tích mẫu phải được đảm bảo theo đúng quy định.

Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp chăt chẽ với các đơn vị trong ngành, các quận, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.  Trong lĩnh vực trồng trọt: Tổng diện tích chứng nhận: 2.527 ha tại 223 cơ sở sản xuất rau, quả, chè, lúa ... tại 20 quận, huyện, thị xã; Trong đó 1.599 ha cấp mới lần đầu cho 139 cơ sở; 928 ha cấp lại lần 2 và lần 3 cho 84 cơ sở. Trong lĩnh vực chăn nuôi: Tổng số cơ sở chứng nhận là 88 cơ sở tại 12 huyện ngoại thành; trong đó 41 cơ sở chăn nuôi gia súc, 38 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 9 cơ sở chăn nuôi các đối tượng khác (dê, bò, ngan, vịt). Trong lĩnh vực thủy sản: Tổng số diện tích được chứng nhận là 181 ha tại 8 huyện ngoại thành cho 19 cơ sở; trong đó 160 ha là cá truyền thống có vảy; 16 ha là cá đặc sản, da trơn; 5ha là đối tượng khác.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020, Trung tâm đã phối hợp chăt chẽ với các đơn vị trong ngành, các quận, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện chứng nhận hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích chứng nhận là 102 ha cho 10 cơ sở tại 06 huyện ngoại thành.

Để đảm bảo các mô hình sản xuất VietGAP và hữu cơ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, Trung tâm đã tổ chức 215 lớp tập huấn, tuyên truyền về sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với hơn 9.400 hộ sản xuất, sơ chế, kinh doanh, lao động tại các trang trại...trên địa bàn thành phố tham gia.

Việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ sẽ góp phần hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu. Sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ việc kiểm soát trong các khâu của sản xuất được coi trọng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giúp người sản xuất phản ứng kịp thời với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được chứng nhận VietGAP hoặc hữu cơ nông sản được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, cộng đồng tiêu dùng, cơ quan quản lý… qua đó, giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Có thể nói, trên cơ sở tiếp nhận và đầu tư mới giai đoạn 2015-2020, với trang thiết bị được đầu tư cùng đội ngũ nhân lực đáp ứng các yêu cầu cho hoạt động chuyên môn, trong đó có 14 thử nghiệm viên hoá học, 07 thử nghiệm viên sinh học và 15 chuyên gia đánh giá chứng nhận cho các lĩnh vực, Trung tâm đã từng bước triển khai hoàn thiện các căn cứ pháp lý, đồng thời triển khai chuyên môn lĩnh vực phân tích và chứng nhận phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội, đảm bảo an toàn thực phẩm và bước đầu có hàng hoá nông sản phục vụ xuất khẩu vào một số thị trường quốc tế.

Để triển khai các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATTP, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, trên cơ sở những kết quả đáng ghi nhận của giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyên môn được giao về lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, nhằm hoàn thành các mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Thủ đô./.

Lưu Phượng