Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số phương án trọng tâm đảm bảo nguồn động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong phòng chống dịch Covid19 tại Hà Nội

Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cấm lớn, đứng tốp đầu cả nước đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ Đô. Trên địa bàn Thành phố hiện có 7.528 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ ngoài khu dân cư. Hàng năm sản xuất trên 55 nghìn con bê giống các loại, gần 4 triệu con lợn giống, trên 100 triệu con gia cầm, thủy cầm.



 

 Về số lượng, hiện đàn trâu 27 nghìn con, bằng 108 % so với cùng kỳ, đàn bò 130,4 nghìn con bằng 100,6% so với cùng kỳ (tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, ....). Đàn lợn 1,34 triệu con, bằng 113,7% so với cùng kỳ (tập trung tại các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất…). Đàn gia cầm 39,8 triệu con, bằng 100,8% so với cùng kỳ (tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất...)

Sản lượng thịt hơi, thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 916 tấn, bằng 105,1% so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 5.400 tấn, bằng 100,4% so với cùng kỳ; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 108,9 nghìn tấn, bằng 104% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm 81,4 nghìn tấn, bằng 107,2% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm các loại 1.270 triệu quả, bằng 108,22% so với cùng kỳ; sản lượng sữa tươi 18 nghìn tấn, bằng 102% so với cùng kỳ. Tổng số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là 732 cơ sở trong đó có 84 cơ sở giết mổ trâu, bò; 208 cơ sở giết mổ lợn; 435 cơ sở giết mổ gia cầm; 05 cơ sở giết mổ động vật khác.

     Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay dịch Covid-19 trên Thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành trong đó có Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch mới nguy cơ lây lan diện rộng, khó kiểm soát, khả năng số ca nhiễm bệnh F0 sẽ tiếp tục tăng cao dẫn đến số lượng người cách ly F1, F2 tăng, số lượng các bệnh viện dã chiến, các cơ sở cách ly tập trung cũng được thành lập thêm phục vụ công tác khám chữa bệnh của Thành phố. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi một số dịch bệnh như Viêm da nổi cục trâu bò, Dịch tả lợn Châu phi, dịch Cúm A/H5N8 trên đàn gia cầm tại Hà Nôi phát sinh làm ảnh hưởng đến sản lượng thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố. 

     Khi thực hiện giãn cách xã hội, thì việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ gặp không ít khó khăn. Cụ thể về tình hình sản xuất đối với các vùng bị cách ly, phong tỏa nguồn giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy, giá đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giá thành đầu ra của sản phẩm. Tình hình cung ứng hàng hóa trong đó có động vật và sản phẩm động vật phục vụ nhân dân trên địa bàn cơ bản đáp ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ ở một số nơi. Hoạt động lưu thông hàng hóa khó khăn hơn do ảnh hưởng của công tác kiểm soát dịch bệnh phải hạn chế phương tiện vận chuyển; xét nghiệm Covid cho lái xe qua các chốt kiểm dịch. Hoạt động sản xuất kinh doanh một số doanh nghiệp (chợ đầu mối, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ tập trung…) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly hoặc liên quan đến yếu tố dịch tễ. Lượng khách mua sắm tại chỗ giảm, lượng khách mua sắm trực tuyến tăng do lo sợ đến chỗ đông người lây nhiễm về dịch bệnh.

     Khi thực hiện giãn cách, dự báo nhiều điểm tại nhiều quận, huyện, thị xã có số khu vực phải khoanh vùng cách ly, người phải cách ly tăng cao, nhu cầu sử dụng hàng hóa biến động khó lường có thể xảy ra trong nhiều ngày, xảy ra việc các kho dự trữ hàng hóa trong thành phố bị cạn hàng cần phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác. Các doanh nghiệp phải bổ sung thêm kho dự trữ khi lượng hóa hóa tăng cao; Ở phạm vi ngoài Thành phố Hà Nội, nếu tình hình dịch diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt các tỉnh, thành phố phía Bắc thì việc cung ứng nguồn hàng từ các tỉnh về cũng sẽ gặp khó khăn như tại chợ Hà Vĩ (Thường Tín), tiêu thụ khoảng 25 - 30 ngàn con gia cầm sống/ngày; chợ Bắc Thăng Long (Đông Anh) tiêu thụ khoảng 4-5 ngàn con gia cầm/ngày; Các cơ sở giết mổ tập trung như lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) tiêu thụ khoảng 1.500 con lợn/ngày; 03 lò mổ tại huyện Chương Mỹ khoảng 500 - 600 con/ngày; lò mổ Minh Hiền (Thanh Oai) khoảng 600 - 800 con/ngày sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng nguồn cung, đầu vào.

       Hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 10 triệu dân cư trú, sinh sống học tập, làm việc, lao động tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng thịt lợn khoảng 19.260 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 19.000 tấn/tháng (đạt 98,6%); nhu cầu cần cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 250 tấn/tháng (đạt 1,4%); Thịt trâu, bò nhu cầu một  tháng của Thành phố là 5.350 tấn/tháng, đáp ứng được 1.052 tấn/tháng đạt 19,6%, nhu cầu cần cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác là 4.298 tấn/tháng (80,4%); Thịt gia cầm nhu cầu của Thành phố là 6.198 tấn/tháng, đáp ứng 13.500 tấn/ tháng, như vậy sản lượng xuất chuồng thịt gia cầm trên địa bàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, có khả năng bù đắp cho các mặt hàng thịt khác trong trường hợp thiếu hàng. Trứng gia cầm nhu cầu của Thành phố là 123,9 triệu quả/tháng, khả năng sản xuất của Thảnh phố đạt 200 triệu quả/tháng, đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Thành phố. Thực phẩm chế biến nhu cầu tiêu dùng của thành phố là 5.165 tấn/tháng, đáp ứng khoảng 1.000 tấn/tháng đạt 19%, nhu cầu cần cung cấp từ nhập khẩu và từ các tỉnh, thành phố khác là 4.165 tấn/tháng (81%); Mức độ cung cầu như vậy cần phải có phương án cụ thể để chủ động ứng phó trước tình hình mới.

Phương án đảm bảo nguồn cung động vật và sản phẩm động vật phục vụ nhân dân phòng chống dịch bệnh Covid trên địa bàn Hà Nội: 

Về chăn nuôi, duy trì, phát triển đàn bò 164 nghìn con, tập trung phát triển các trại, trang trại bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư tại một số huyện trọng điểm (Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Chương Mỹ....). Phát triển đàn lợn đạt 1,6 - 1,8 triệu con, trong đó lợn nái 170- 180 nghìn con nái; tập trung phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất.  Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, lựa chọn các giống lợn đực ngoại nhập để phục vụ cho các cơ sở sản xuất tinh lợn; lợn nái ông bà có năng suất, chất lượng cao để phục vụ cho các cơ sở sản xuất giống đáp ứng cho các trang trại, các hộ chăn nuôi vừa, nhỏ để phát triển nhanh lợn thương phẩm. Phát triển đàn gia cầm đạt 38 - 40 triệu con, trong đó đàn vịt 11 triệu con, gà 29 triệu con (bao gồm 12 triệu gà sinh sản); tập trung phát triển ở một số huyện đã có nhiều trang trại gà (Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai …) và các huyện có điều kiện phát triển chăn nuôi vịt (Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai ….).

Duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung (Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh…). Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối Hà Vĩ, Bắc Thăng Long, có phương án dự phòng trong trường hợp các chợ đầu mối động vật, cơ sở giết mổ lớn bị phong tỏa, cách ly.

Về bảo quản, chế biến sản phẩm động vật, tiếp tục duy trì các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, nhất là các cơ sở thuộc các Công ty, các doanh nghiệp nằm trên địa bàn Thành phố (như Công ty CP, Tiên Viên, Lan Vinh, Ba Huân, Bảo Minh, Vinh Anh,…). Đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản có kho lạnh bảo quản tăng cường dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuyển đến các cơ sở phân phối phục vụ người tiêu dùng.

Tăng cường phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố (nhất là các tỉnh ở phía Bắc) để tạo điều kiện tốt nhất trong việc lưu thông vận chuyển động vật và sản phẩm động vật (kể cả đang trong thời gian giãn cách xã hội) vì đây là nhu cầu thiết yếu phục vụ cho người dân. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp, tư thương lưu thông được động vật và sản phẩm động vật. Thường xuyên rà soát, cập nhật các danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh giữa các tỉnh, thành và thành phố Hà Nội.

Về phương tiện vận chuyển, các phương tiện vận chuyển (xe ô tô, xe máy) của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, vật tư, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phục vụ cho phát triển chăn nuôi đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến điểm tiêu thụ. Huy động các lực lượng, phương tiện trên địa bàn Thành phố tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn khi cần thiết.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố, đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm để hạn chế rủi ro "dịch chồng dịch" đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi đáp ứng nhu cầu cần thiết cung cấp thực phẩm cho nhân dân. Những nhiệm vụ cụ thể là tập trung tiêm phòng các loại vắc xin (LMLM, Tai xanh, Viêm da nổi cục, Cúm gia cầm…) để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khi phát hiện phải thực hiện ngay các biện pháp khống chế, ngăn chặn (kể cả ở các khu vực đang bị giãn cách, phong tỏa) không để dịch gia súc, gia cầm bùng phát trên diện rộng. Phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt việc tổng tẩy uế môi trường, trong đó ngành thú y tập trung ở các vùng có nguy cơ cao, khu chăn nuôi tập trung nhiều trang trại, bãi rác, chợ, các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, chợ đầu mối, khu vực có kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

Đảm bảo lực lượng cán bộ Thú y duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung (tại Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh…). Hướng dẫn các cơ sở giết mổ tập trung có phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể để duy trì hoạt động. Thực hiện phương án 3 tại chỗ (ăn, nghỉ, làm việc tại chỗ) đối với lực lượng quản lý, làm giết mổ. Siết chặt việc quản lý, hạn chế tối đa đối với người kinh doanh sản phẩm động vật ra, vào cơ sở giết mổ tập trung, người ra vào cơ sở giết mổ có kiểm soát, được tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại chợ đầu mối Hà Vĩ, Bắc Thăng Long. Phối hợp với các quận, huyện có phương án về đảm bảo duy trì hoạt động, có phương án dự phòng trong trường hợp các chợ, cơ sở giết mổ bị cách ly, phong tỏa. Đảm bảo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản có kho lạnh bảo quản tăng cường dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuyển đến các cơ sở phân phối phục vụ người tiêu dung. Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm theo phân cấp.  

Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến người dân, người chăn nuôi, người tiêu dùng đề người dân chủ động vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của các cấp Chính quyền, vừa chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Kịp thời động viên, khen thưởng người thực hiện có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không chấp hành các quy định trong phòng chống dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi Thú y đã và đang rà soát toàn bộ lực lượng tham gia vào các hoạt động chăn nuôi thú y trên địa bàn Thành phố như lực lượng cán bộ thú y, các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chủ hộ kinh doanh động vật sản phẩm động vật tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đề xuất với chính quyền địa phương ưu tiên tiêm phòng để các đối tượng trên được yên tâm thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở./.

Nguyễn Ngọc Sơn