Sau hơn 5 tháng thực hiên, mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình còn góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai.
Năm 2017, trong bối cảnh giá thịt lợn xuống thấp, gây thua lỗ cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội dừng thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học” chuyển kinh phí sang xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 90 con để hỗ trợ các hộ nghèo tại các xã Ba Trại (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức) và 3 xã của huyện Thạch Thất là Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân. Đến nay đàn bò khỏe mạnh, tỷ lệ sống 100%, trung bình đạt trên 200 kg/con, tăng trọng trung bình 6-7kg/con/tháng, nhiều con đã được phối giống. Mô hình được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn đối với các hộ nghèo. Đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai.
Ông Hoàng Văn Chuyển – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trị, huyện Ba Vì cho biết: Ba Trại là xã miền núi thuần nông của huyện Ba Vì, đời sống đại đa số người dân trong xã vẫn gắn với sản xuất nông nghiệp mà trồng trọt và chăn nuôi là hai hoạt động chiếm tỷ trọng chính, tuy mức sống trong những năm gần đây đã từng bước được cải thiện, nhưng nhìn chung thu nhập bình quân chưa cao, nguồn lực để đầu tư cho phát triển sản xuất còn gặp khó khăn. Thực hiện chương trình Nông thôn mới một trong những tiêu chí chưa đạt đối với xã Ba Trại đó là tiêu chí hộ nghèo. Vì vậy, địa phương đánh giá rất cao mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai, mô hình phù hợp với trình độ chăn nuôi và điều kiện kinh tế của nhân dân địa phương, mở ra hướng đi mới cho người dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 5,1% xuống còn 2%, theo chuẩn hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Gia đình hộ Đinh Thị Miên – Thôn 4, Xã Ba Trại, huyện Ba Vì là 1 trong số 30 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn thuộc 9 thôn của xã Ba Trại được nhận bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2017. Bao nhiêu năm gắn bó với cái nghèo, tài sản của gia đình không có gì ngoài ngôi nhà tuềnh toàng, chật trội. Bức tranh cây hoa đào với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” được dán trên tường của cô con gái 8 tuổi dù nghệch ngoạc nhưng dường như cũng cho thấy em mong tết đến biết nhường nào, dẫu biết rằng với em tết đến cũng sẽ không có thức ăn ngon, quần áo đẹp. Chị Miên chia sẻ: chị lấy chồng năm 18 tuổi, nhưng không may chồng hay ốm yếu nên 27 năm sau chị mới có được đứa con gái duy nhất. Chồng mất sức lao động, chị một mình xoay sở kinh tế chỉ với 1 sào ruộng, mấy luống rau, ngô và vài ba con gà, do đó cái nghèo cứ quẩn quanh, đeo bám. Từ khi nhận được con bò giống đẹp của mô hình, chị vui lắm, giờ đây nó là tài sản quý giá nhất đối với gia đình chị. Chứng kiến hoàn cảnh của gia đình chị Đinh Thị Miên mới thực sự thấy mô hình chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện đã triển khai đến đúng đối tượng. Đây không chỉ là niềm động viên, khích lệ lớn, mà còn tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để rất nhiều hộ gia đình khó khăn như gia đình chị Miên ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xã Yên Bình là một xã miền núi của huyện Thạch Thất có diện tích đất tự nhiên hơn 2073ha, trong đó sản xuất nông nghiệp là 500ha, đất đai rộng nhưng trình độ và nhận thức của nông dân trong sản xuất theo hướng hàng hóa còn hạn chế, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn ít, thiếu kinh nghiệm và vốn để đầu tư sản xuất…nên xã Yên Bình gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới với chiến lược thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, những năm gần đây, xã Yên Bình đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi lợn rừng, chăn nuôi dê, trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng ớt phục vụ xuất khẩu, trồng rừng sinh thái kết hợp trồng cây ăn quả…Vì vậy, mô hình chăn nuôi bò sinh sản được chính quyền xã ghi nhận và đánh giá cao về hiệu quả mô hình.
Từ kết quả triển khai năm thứ nhất của mô hình, năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dạng mô hình khuyến nông trong đó có mô hình chăn nuôi bò nhằm hỗ trợ bà con nông dân các huyện trên địa bàn thành phố phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập./.
Lưu Phượng