Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mê Linh: Phát triển sản xuất chuỗi đạt hiệu quả cao

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Mê Linh có nhiều thế mạnh để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển chuỗi sản xuất, nông sản an toàn.



Theo ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, hiện nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1,8%; nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào canh tác, năng suất hầu hết các cây trồng đều tăng và trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Công tác đổi điền, dồn thửa, xây dựng cánh đồng lớn được triển khai hiệu quả, xây dựng vùng lúa chất lượng cao quy mô từ 50 ha trở lên tại các xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Thanh Lâm; vùng RAT xã Tráng Việt (200 ha), Tiền Phong (93 ha), Tiến Thắng (14.5 ha).

Nhờ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa (khoảng 5.000 ha), tăng diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao như: Cây hoa ổn định khoảng 500ha, cây rau màu khoảng 2.000 ha. Chuyển đổi một số vùng trũng sang phát triển trang trại tổng hợp VAC, nuôi trồng thủy sản… bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng và tích cực chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Đến nay toàn huyện có 337 hộ được chấp thuận chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và 73 hộ được phê duyệt phương án chuyển đổi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực như khai thác tối đa nguồn lực từ đất (từ việc chuyển đổi những vùng trũng, vùng trồng lúa kém hiệu quả, vùng trồng màu năng suất thấp sang mô hình kinh tế trang trại). Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Văn Khê, Tiến Thắng; vùng hoa tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê…; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã: Tiến Thắng, Liên Mạc, Tự Lập…

Đặc biệt, sau khi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, huyện Mê Linh đã làm cầu nối, giới thiệu và có nhiều đơn vị cam kết tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của huyện, các HTX đã mở rộng việc ký kết hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho trên 30 doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh trong và ngoài thành phố. Sản lượng cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ của các đơn vị sản xuất ngày càng tăng cao, giá trị sản phẩm được nâng lên rõ dệt. Giá trị sản phẩm tăng từ 120% đến 150%. Thu nhập bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/năm.

Đến nay trên địa bàn huyện Mê Linh đã có 3 chuỗi có sản phẩm xuất khẩu: HTX DVTH Đông Cao (rau ăn lá xuất sang Hàn Quốc), Công ty Xuất nhập khẩu Lam Thiệu (chuối xuất sang Trung Quốc), Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội (cây hoa Cúc giống sang Nhật Bản).

Trong những năm gần đây, để hạn chế thấp nhất tình trạng sản phẩm sau thu hoạch bị thương lái ép giá cũng như để giúp người sản xuất, tiêu thụ và người tiêu dùng trên địa bàn huyện phát triển sản xuất bền vững, từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Mê Linh có kế hoạch xây dựng, hỗ trợ 7 đơn vị thực hiện xây dựng chuỗi sản xuất- tiêu thụ nông sản cho chuỗi với 526 ha triển khai tại 6/18 xã, thị trấn (Tráng Việt, Tiến Thịnh, Đại Thịnh, Hoàng Kim, Văn Khê, Liên Mạc).

Từ các mô hình chuỗi được xây dựng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi tại các xã, thị trấn.

Để thúc đẩy chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, theo ông Đoàn Văn Trọng, huyện Mê Linh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản tập trung trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên các sản phẩm như: củ cải, chuối, bưởi, gạo... Bên cạnh đó, huyện cũng mong Thành phố Hà Nội hỗ trợ huyện xây dựng các địa điểm giới thiệu hàng nông sản đặc trưng của huyện, xây dựng chợ trung tâm nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất trong việc duy trì, phát triển chuỗi./.

NT (Theo Chinhphu.vn)