Theo đó, UBND Thành phố sẽ lựa chọn 25 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đáp ứng các điều kiện tham gia đề án trên và được hỗ trợ từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố. Các quận, huyện, thị xã căn cứ vào nguồn lực địa phương triển khai hỗ trợ thêm các mô hình theo mục tiêu, nội dung của đề án.
Thời gian thực hiện đề án gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: Lựa chọn mô hình hợp tác xã thí điểm (trong năm 2021); giai đoạn 2: Hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hoàn thiện (tháng 6-2025); giai đoạn 3: Tổng kết, đề xuất phương án nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả (6 tháng cuối năm 2025).
Hợp tác xã tham gia Đề án phải thực hiện 6 điều kiện bắt buộc đó, gồm: Hoạt động theo quy định Luật Hợp tác xã năm 2012; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được đề án lựa chọn; bảo đảm tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên theo quy định của pháp luật; kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính gần nhất.
Bên cạnh đó, hợp tác xã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia đề án, trong đó, có bản đánh giá hợp tác xã năm 2020 đạt loại khá (65 điểm) trở lên. Trường hợp có từ hai hợp tác trở lên cùng đáp ứng tất cả các điều kiện trên thì lựa chọn hợp tác xã có quy mô lớn hơn và có tổng nguồn vốn của hợp tác xã cao hơn.
UBND Thành phố cũng ưu tiên lựa chọn hợp tác xã có nhiều thành viên, tích cực tham gia các hoạt động. Hợp tác xã có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh. Hợp tác xã có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; hợp tác xã do thanh niên khởi nghiệp./.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội