Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lợi ích cày ải phơi đất

Trong sản xuất nông nghiệp từ xa xưa đã đúc kết “Một nắm đất nỏ bằng giỏ phân”, điều đó khẳng định lợi ích to lớn của việc cày ải phơi đất.



Chính vì vậy ngay sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa, bà con tranh thủ thời gian bắt tay ngay vào khâu làm đất chuẩn bị bước vào chu kỳ sản xuất mới.

 Cày ải là một giải pháp kỹ thuật có nhiều tính ưu việt nếu thực hiện đúng theo yêu cầu và quy trình kỹ thuật. Một trong những yêu cầu quan trọng trong làm đất ải là: đất cày ải phải lật úp thành luống, ải phải nỏ mới có tác dụng. Làm đất ải có vai trò lớn trong việc cải tạo hệ vi sinh vật đất trồng lúa.

Việc thâm canh 2 vụ lúa nước trong năm (vụ đông xuân và vụ mùa) với đặc điểm luôn có đủ nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển đã làm cho đồng ruộng liên tục bị ngập nước sinh ra yếm khí. Hệ sinh vật háo khí có lợi cho cây trồng hoạt động kém đi. Hơn nữa, đất ngập nước lâu ngày sẽ tồn tại trong đó một số chất khí có hại cho cây trồng như: H2S, CH4 và chỉ thực hiện cày ải, làm đất ải, để ải nỏ thì các chất khí này mới thoát ra bay vào không trung. Làm đất ải, để ải nỏ sẽ tạo điều kiện cho hệ sinh vật háo khí hoạt động mạnh lên, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, nhờ đó mà rễ cây trồng hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng có trong đất; khắc phục được bệnh nghẹt rễ lúa.

Cày ải, làm đất ải còn có tác dụng diệt cỏ dại và các mầm mống sâu bệnh còn lưu trú, tồn dư trên đồng ruộng, ngăn chặn chúng xuất hiện gây hại ở vụ sau. Đối với bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá, cày ải tuy không diệt được mầm bệnh, nhưng lại diệt được ký chủ phụ của bệnh (cỏ dại); đồng thời hạn chế sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển côn trùng (rầy nâu, rầy lưng trắng-môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá và cũng là tác nhân trực tiếp phá hoại lúa)...Vụ xuân đất được ải cây trồng hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn nhờ đó cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh là tiền đề cho năng suất cao. Từ những lợi ích như vậy mà từ thời xa xưa, ông cha ta đã có câu "Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân".

Theo kinh nghiệm “ải thâm còn hơn dầm ngấu” vì thế bà con phải khẩn trương triển khai cày ải và phơi đất. Hiện tại thời tiết đã chuyển sang mùa đông hanh khô; vụ lúa mùa đã thu hoạch xong - điều kiện thuận lợi cho việc cày ải. Thời điểm này đất ẩm vừa phải, thân và gốc rạ lúa mùa đang phân hủy mạnh rất thuận lợi cho khâu làm đất. Cày ải lúc này còn tận dụng lao động nông nhàn góp phần rải vụ trước và sau tết xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Các địa phương miền Bắc cần huy động sức kéo như trâu bò, máy cày các loại tập trung làm đất kết thúc càng sớm càng tốt nhất là ở những khu đồng không trồng cây vụ đông. Những ruộng đang trồng cây vụ đông thì sau khi thu hoạch xong cũng phải tiến hành cày ải đất luôn. Riêng vùng đất trũng, thường xuyên ngập nước thì thực hiện làm dầm, cày bừa sớm, ngâm dầm ngấu.

Vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 là vụ sản xuất quan trọng trong năm với năng suất, sản lượng, giá trị lớn. Để đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, điều kiện cho vụ sản xuất về giống, phân bón, thuốc BVTV, hệ thống tưới tiêu... thì đồng ruộng cũng phải được vệ sinh sạch sẽ, trong đó cày ải là một giải pháp kỹ thuật hữu hiệu./.

Hà Thúy Tuyển (Nguồn:Báo Nông nghiệp Việt Nam)