Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làng Xoan, xã Vân Hòa: Người dân trồng đào tất bật chuẩn bị phục vụ Tết

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những ngày này, tại làng Xoan, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, người dân trồng đào đang tất bật thực hiện các công đoạn chăm sóc với một niềm hy vọng về cái Tết ấm no.



Với đặc thù ruộng bậc thang của xã miền núi gây khó khăn trong việc tưới tiêu nước để sản xuất lúa và các cây hoa màu khác, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, năm 2014, ông Phan Thanh Sơn- Tổ trưởng Tổ Hội trồng đào xã Vân Hòa đã tiên phong trồng những gốc đào đầu tiên xuống cánh đồng thôn Xoan. Để có kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào ra hoa đúng dịp Tết, ông Sơn học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn đào trong và ngoài huyện, qua các phương tiện thông tin đại chúng và đúc rút kinh nghiệm qua từng năm. Từ những gốc đào đầu tiên, đến nay, gia đình ông Sơn đang trồng 260 gốc đào phai trên diện tích hơn 1.400m2. Mỗi năm trừ chi phí, ông Sơn thu lãi hơn 100 triệu đồng, hiệu quả kinh tế rõ rệt so với trồng lúa.

Ông Phan Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ Hội trồng đào xã Vân Hòa, huyện Ba Vì chia sẻ: “Trước khi thực hiện đồn điền đổi thửa thì bà con thôn Xoan, xã Vân Hòa vẫn tổ chức cấy lúa, trồng ngô và cỏ, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi địa phương hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chúng tôi đã đưa cây đào vào trồng thử nghiệm, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau đó diện tích trồng đào đã tăng dần qua từng năm. Những năm trước đây khi chưa có dịch bệnh COVID-19, cây đào bán rất được giá, thậm chí thương lái đến tận ruộng mua buôn.”

Những năm qua, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đã quan tâm đầu tư làm đường giao thông nội đồng, các công trình giao thông thủy lợi và khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, hạn chế ruộng bỏ hoang, tăng thu nhập cho người dân. Việc đưa cây đào vào trồng tại xã Vân Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi cây đào không cần chăm sóc, tưới nước, chăm bón vất vả như cây nông nghiệp khác, mặt khác cây đào rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại các xã miền núi. Đầu ra luôn ổn định bởi đến dịp sát Tết, thương lái đã đến thu mua đào tại vườn. Tuy nhiên, cây đào cũng đòi hỏi người trồng phải khéo léo, tỉ mỉ và biết tính toán thời tiết để chia giai đoạn uốn tỉa, chăm sóc. Nếu thời tiết ấm thì bà con chủ động tuốt lá muộn hơn, còn nếu thời tiết lạnh kéo dài thì sẽ vun gốc, tưới nước ấm đảm bảo cho nụ hoa phát triển bình thường. Ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hòa cho biết: “Từ hiệu quả kinh tế mà cây đào mang lại, đến nay xã Vân Hòa đã thành lập Tổ Hội trồng đào với 16 thành viên tham gia, diện tích trồng đào trên 8 ha, trồng tập trung tại cánh đồng thôn Xoan. Các thành viên trong Tổ thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và tạo dáng thế cho cây đào, để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.”

Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu của người dân có phần hạn chế, việc tiêu thụ cây cảnh của người dân cũng giảm đi đáng kể. Nếu như những năm trước vào thời điểm này, tại các vườn hoa Đào ở thôn Xoan, xã Vân Hòa đâu đâu cũng tấp nập người ra vào xem đào để đặt mua phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán thì năm nay không khí có phần ảm đạm, tại các vườn đào chỉ lác đác vài khách xuống xem. Mặc dù việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực để sáng tạo nhiều loại đào, tạo nhiều thế bắt mắt phục vụ nhu cầu của người chơi.

Với người trồng đào làng Xoan, xã Vân Hòa, dịp Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm để thu về thành quả sau một năm lao động miệt mài vất vả. Nhưng ẩn bên trong sự vất vả đó là niềm hy vọng, niềm vui khi những cây đào hứa hẹn mang lại một cái tết ấm no, đủ đầy./.

 Trúc Như (Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì)