Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làng hữu cơ giữa Thủ đô bụi mịn

Nhà vườn, chuồng trại hữu cơ thì có nhiều nhưng cả một làng hữu cơ là điều hiếm thấy đặc biệt ở giữa Thủ đô xếp vào top ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới…



Ở nơi đó, mắt tôi rợn ngợp trong màu xanh của cây cối, màu trắng của những cánh cò chao nghiêng tìm chỗ trú ngụ. Ở nơi đó, mũi tôi cảm nhận được rõ mùi thơm của nồi cơm sôi, của ngọn gió đồng nội, của nhành lan trong khu vườn chùa bởi không bị lẫn với mùi thuốc sâu hay là hóa chất. Ở nơi đó, tai tôi rộn tiếng rù rì của đàn ong lấy mật bên những khóm hoa dại, tiếng oàm oạp của đàn cá quẫy dưới mương, tiếng tanh tách của đám châu chấu búng mình theo từng bước chân người khẽ chạm vào bờ bãi.

Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km nhưng thôn Thượng Phúc xã Đồng Phú huyện Chương Mỹ như được bọc trong một tủ kính miễn nhiễm với nhiều thứ độc hại của một thành phố lầm bụi và lắm hóa chất.

Cô gái Nhật quên lấy chồng

Một ngày của năm 2012 dân làng bỗng thấy một cô gái Nhật cao ráo, da trắng như tuyết, nụ cười hàm tiếu như hoa tới cái thôn hẻo lánh của mình để giúp đỡ họ làm lúa hữu cơ. Đó là tiến sĩ KaKo được Tổ chức Jica (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cử về thực hiện thí điểm dự án Pamci.

Cô bảo nơi này xa nhà máy, xa quốc lộ, xa nguồn ô nhiễm nên may mắn khi xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước đều cho kết quả đạt chuẩn. Hơn thế, cánh đồng thì lớn nhưng làng lại nhỏ, dân cư sống với nhau thuận hòa hội đủ điều kiện để sản xuất hữu cơ. Bà con lơ ngơ hỏi hữu cơ là gì? KaKo giải thích nghĩa là không dùng hóa chất, không bón phân hóa học, không phun thuốc độc hại…Ai nấy đều băn khoăn thế thì làm sao mà được ăn?

Thương cô gái Nhật từ xứ sở giàu có, văn minh lặn lội về đây nhưng dân làng vẫn chưa tin tưởng vào phương pháp canh tác mới. Bởi thế cho nên phải bảo lãnh bằng văn bản rằng hiệu quả kinh tế tương đương với 2 tạ lúa/sào của sản xuất lúa thông thường thì lòng người mới yên.

Trưởng thôn Lê Thị Hòa ngày ấy là 1 trong 20 hộ đầu tiên tham gia trồng 1 ha lúa hữu cơ ở cánh đồng gốc Đa. Chị bảo, trước trồng theo kiểu cũ 1 sào mất 3 công gồm 1 công cấy, 1 công bón, 1 công phun thuốc sâu, trừ cỏ xong là bỏ đấy không cần nhòm ngó, cuối vụ chờ máy gặt liên hợp đến giơ bao ra mà hứng thóc. Đằng này canh tác hữu cơ bận như chăm con mọn, tổng cộng tốn cỡ 12 công gồm 1 công cấy, 3 công làm cỏ, 1 công khử lẫn, dăm ba công vớt rều (rêu váng sinh ra do bón phân chuồng-PV), bắt ốc bươu vàng, đánh chuột. Ngại nhất là xử lý phân chuồng vừa mùi, vừa bẩn vẫn phải trộn lẫn trấu cùng vôi rồi phủ bạt kín, khi chuẩn bị bón lại phải mở ra, xới xáo cho hả hơi rồi mới đem vãi.

KaKo mở lớp ngay tại nhà văn hóa thôn theo kiểu vừa học vừa hành. Để sát sao công việc cô ở luôn trong căn nhà ngói 3 gian 1 trái của gia đình ông Nguyễn Quang Hải ăn cùng, làm cùng với bà con. Người Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính, nước sông Bùi bơm vào mương phải tráng qua một lượt để rửa trôi chất bẩn rồi đặt các bao tải than hoạt tính ở miệng cống lọc mới cho dẫn vào ruộng. Sau khi thu hoạch, hạt lúa phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trước khi xay xát phải vệ sinh từ máy móc đến dụng cụ để sao không còn sót lại bụi. Nhà văn hóa thôn từ chiều hôm trước đã được lau rửa, hong khô, trải bạt để người ngồi quạt, ngồi sàng, ngồi lọc hết thóc lẫn hạt sạn mới thôi.

Toàn bộ các công đoạn đó đều được ghi chép vào sổ sách. Một điểm khác nữa so với sản xuất thông thường là nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng và tự giám sát nhau. Tỉ mỉ là thế nên sản phẩm làm ra được cấp cả chứng nhận Pamci lẫn tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

1-2 vụ đầu do đất đai chưa thuần, đang quá độ từ sản xuất bình thường sang hữu cơ nên năng suất chỉ bằng cỡ ½ so với lúa thường may nhờ vào giá thu mua cao gấp đôi mới có thể tương đương về hiệu quả. Dù công sức bỏ ra nhiều hơn mà kinh tế vẫn thế nhưng bà con vẫn động viên nhau vì môi trường trong lành, vì chất lượng nông sản, vì sức khỏe của chính mình mà cố duy trì. Dự án thực hiện ở mấy điểm của Hà Nội nhưng chỉ có Đồng Phú là còn trụ lại được.

 Ba năm gắn bó với nông dân, KaKo thân thiết như một đứa con chung của làng. Họ gọi cô là Cô Ca cho…thuận miệng, họ giục cô lo việc chồng con nhanh nhanh kẻo mà ế. Tháng 12 năm 2014, dự án kết thúc, cô về nước nhưng năm nào cũng dẫn đoàn sinh viên thực tập sang, tổ chức ăn cơm gạo mới ngay tại nhà văn hóa thôn, cùng ngủ nghỉ lại để trao đổi những kiến thức mới. Gặp ai cô cũng vồn vã chào, thiếu ai cô cũng xoắn xuýt hỏi, nếu ốm thì đến thăm, nếu mất thì đến thắp hương. Hơn 40 tuổi nhưng Cô Ca vẫn chưa chịu lập gia đình.

Dân níu áo trưởng thôn xin được tham gia

Trước vụ thứ hai, bà Lê Thị Hò níu áo ông trưởng thôn lại mà bảo: “Ở đồng Dưới có 3 hộ đất rộng, nhà chị cũng có 1 mẫu. Con cái đi vắng cả chỉ còn mỗi hai vợ chồng già, ông ấy lại tàn tật, chú cho chị làm lúa sạch với vì ăn ít cấy nhiều như bây giờ vất quá lại độc hại. Chỉ cần 1 tạ/sào thôi nhưng 1 tạ ấy bán bằng giá 2 tạ lúa thường thì chị bưng bê cũng đỡ nhọc mà để lại cho con cháu ăn lại yên tâm”.

 Diện tích lúa hữu cơ của làng cứ lần hồi mở rộng theo cách thức ấy. Khi dự án trao quyền tự chủ sản xuất lại cho nông dân Thượng Phúc chỉ có 5 ha hữu cơ nhưng năm 2015 mở rộng lên 9 ha/vụ, 2016 lên 15 ha/ vụ, 2017 lên 25 ha/ vụ. HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú được thành lập năm 2017 với 89 thành viên đến nay đã thành 103.

Bà Hò bảo cấy lúa hữu cơ cũng lắm nỗi thăng trầm. Vụ mùa 2016, 2017 ruộng làng thất thu nặng, chỉ đạt 50kg/sào bởi năm ấy sâu bệnh nhiều, lúa bên ngoài cũng còn bị mất. Năm 2018 được mùa nhưng lúa làm ra không bán được bởi doanh nghiệp ký kết chỉ thu mua một ít rồi bùng. Ngậm đắng nuốt cay người dân phải bán thóc hữu cơ ngang giá thóc thường, mất đến ½ giá trị.

Từ vụ xuân 2019 HTX đã liên kết với Cty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam để tiêu thụ 100% sản phẩm. Bên cạnh giống Bắc Thơm số 7 bà con còn được đặt hàng cấy cả giống lúa Nhật đặc sản J02 lẫn giống “lúa lợn” Q5 (để sản xuất bún, bánh). Dù không dùng tí hóa học nào nhưng năng suất vẫn đạt 170- 180 kg/sào, thóc được thu mua tươi ngay tại ruộng mỗi 1 kg giá 14-15.000đ. Ngoài 2 vụ lúa ra HTX còn tổ chức cho người dân trồng luân canh 1 vụ đậu tương cũng theo phương pháp hữu cơ vừa bồi bổ đất vừa giúp cho tổng thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Đối chứng với sản xuất thông thường thì phương pháp hữu cơ đã thêm được 96 triệu đồng/ha.  

Nhiều đoàn tây đen, tây trắng hay Nhật Bản đánh ô tô về chật cả đường làng xem dân Đồng Phú làm nông nghiệp sạch. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, các camera được lắp ngay trên cánh đồng, ngồi ở tận bên kia bờ đại dương vẫn có thể truy cập được xem bà con đang cấy hái ở nhà ra sao. Chị Trịnh Thị Nguyệt-Giám đốc HTX cho hay ngoài việc sản xuất lúa gạo sắp tới đơn vị còn phối hợp với doanh nghiệp để đa dạng hóa thêm sản phẩm như chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo làm sản phẩm hỗ trợ cho những bệnh nhân ốm nặng…

Làng của những người sống thọ, sống khỏe:

Thôn nằm giữa vùng lúa hữu cơ xanh ngằn ngặt với một vùng đệm sinh học an toàn bao bọc xung quanh. Chỉ có 209 hộ với khoảng 800 nhân khẩu thôi nhưng Hội người cao tuổi lại có đến 110 người, rất nhiều cụ 90 tuổi vẫn khỏe mạnh như mẹ chồng bà Hò 94 tuổi, mẹ đẻ bà Hò 92 tuổi, nhiều cụ ngót 80 tuổi vẫn ra đồng bình thường như bà Hoàng Thị Cam. Bà Cam bảo 6 thước trồng rau trước đây đều rắc phân lân, phân đạm nhưng giờ người làng đang liên kết với công ty thực phẩm sạch, tuy mình không tham gia nhưng cũng tự nguyện từ bỏ phân hóa học, thuốc trừ sâu để đỡ ảnh hưởng.

Hồi còn phun thuốc, những nhà sát đồng đến vụ dù cửa đóng then cài vẫn không khỏi xây xẩm mặt mày vì hít phải hơi hóa chất. Giờ bỏ chất độc, trên đồng đất tơi xốp nhờ giun dế sinh sôi, dưới mương ếch nhái, cua chạch nhiều bởi liên tục đẻ. Trang trại nhà anh Lê Tuấn Anh hai ba vụ trước lại thấy xuất hiện cà cuống cùng với đỉa sau bao năm vắng bóng. Trồng bưởi nhưng anh không hề phun thuốc, bón đạm, làm cỏ thì đã có đàn gà hơn 100 con ngày ngày vặt giúp. Thả cá nhưng anh chẳng mua cám công nghiệp mà tận dụng thức ăn thừa của người hay ngô, thóc nhà nông vốn sẵn có. Bởi thế từ hạt lúa, mớ rau, con cá, con gà, quả bưởi đều là hữu cơ. “Con người giờ đây đã sợ chết hơn trước nên không dám sản xuất bằng mọi giá…”. Anh xởi lởi.  

Chuyện mê, chuyện mải, thăm nhà này một tí, đến nhà kia một tẹo tôi không để ý mặt trời đã quá ngọ tự lúc nào. Vợ chồng ông Lê Công Ngôn-Phạm Thị Ưa thấy vậy mau mắn mời tôi dự bữa cơm dưa cà tự muối, rau vặt trong vườn nhà, cá bống, tôm tép vừa kéo dưới ao với ông bà. Ngon và chan chứa tình cảm!

 Họ đều đã 83 tuổi, có tới 8 người con nhưng vẫn chọn ở riêng vì thích sự tự do đến khi nào không thể đi lại được thì mới tính tiếp. Sáng nào ông cũng đạp xe chừng 10 km rồi về tưới rau, cho gà, cho chim ăn còn bà ở nhà lo nấu nướng, không bao giờ phải ra quán xá dù chỉ là ăn sáng. Trứng gà nuôi còn thừa chu cấp cho đàn cháu mấy chục đứa, chim câu nuôi còn thừa hai ba tuần lại bán ngay tại cửa chuồng 250.000đ/đôi. Thứ duy nhất ông bà phải mua là mắm muối và thỉnh thoảng tí thịt lợn cho đổi món. Ông Ngôn cười khà khà, rung rinh chòm râu bạc: “Bác tôi ngày xưa làm chánh tổng cũng còn ăn khoai suốt, giờ nhà nghèo nhất trong làng còn sướng hơn, không ai phải đói cả”.

Bà Cao Thị Lục bảo hiện nay cày cấy toàn người già, làm cho con cháu đồ ăn sạch, làm để giữ gìn sức khỏe còn bán chỉ là phụ. Dân Thượng Phúc không bao giờ ăn gì ngoài gạo của làng, rau của làng, cá của làng, gà của làng. Bởi thế, mỗi dịp đi đâu mà phải ở lại để dùng bữa  họ đều cảm thấy mọi thứ nhàn nhạt, sờ sợ một cách rất mơ hồ. Dương Đình Tường 

Box: Không quản ngại cô gái Nhật thục tay vào đống phân chuồng xem có đủ ngấu, lội xuống bùn cấy hay nhặt từng cái chai, lọ, bao bì thuốc BVTV, túi nylon vứt vương vãi trên đồng để làm gương cho dân làng.

Box: Lúc đầu do ý thức của một số người còn chưa cao nên phải “đánh” vào kinh tế. Quên ghi chép sổ sách thì giảm giá thu, không họp nhóm mỗi buổi phạt 50.000đ, có vỏ bao thuốc BVTV trên ruộng hay bón trộm phân hóa học liền dừng mua, lấy mẫu đi xét nghiệm. Hộ vi phạm phải trả toàn bộ chi phí đã đành mà nếu không đạt liền bị gạt ra ngoài cuộc.

Chú thích ảnh: ảnh 13 KaKo-cô gái Nhật mê giúp dân làng trồng lúa hữu cơ; ảnh 14 lọc nước bằng than hoạt tính trước khi đưa vào ruộng lúa;  ảnh 2 từ lúa giờ đây bà con còn trồng cả rau hữu cơ; ảnh 3 bà Hoàng Thị Cam đã 78 tuổi mà vẫn còn ra đồng; ảnh 5 ông Lê Công Ngôn 83 tuổi mà vẫn còn chăm việc nuôi chim bồ câu; ảnh 6, 8, 9 một vườn bưởi đầy tính sinh thái của làng; ảnh 11 một góc chùa làng;

TX (TheoBáo NNVN)