Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làm giàu từ vùng đất trũng

Từ một vùng trũng, ngập, diện tích đất canh tác chủ yếu một năm 2 vụ lúa song năng suất thấp, có năm thất thu do bị ngập úng, nhận thấy diện tích canh tác lúa tại đây không mang lại hiệu quả. Đảng bộ và chính quyền xã Liên Châu – huyện Thanh Oai - Hà Nội đã vận động nhân dân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.



Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của xã về phát triển sản xuất trên cánh đồng ô thửa lớn đã thực sự mang lại cho vùng đất nơi đây một diện mạo mới, đời sống kinh tế của nhiều gia đình đã được cải thiện, hiện toàn xã có 95 hộ thực hiện mô hình trang trại tổng hợp với thu nhập từ 300 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm. Góp phần để vùng đất trũng nơi đây được hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay phải kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Huynh – là một trong những trang trại được hình thành và phát triển trên diện tích chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua. Với tổng diện tích 3,5 ha, gia đình ông đã quy hoạch 2,5 ha diện tích mặt nước, xây dựng 4 ao nuôi cá thương phẩm, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, rô phi; diện tích còn lại được gia đình ông đầu tư nuôi ếch và trồng cây ăn quả.

Ông Huynh chia sẻ “Những ngày đầu ra đây, tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ vốn đầu tư đến kinh nghiệm sản xuất,… xong để hình thành được trang trại như ngày hôm nay, gia đình tôi đã dồn rất nhiều quyết tâm và công sức cho vùng đất thấp trũng này cùng với đó là niềm đam mê, yêu thương mảnh đất nơi đây đã khiến tôi không ngừng phấn đấu”.

Để tìm ra lời giải cho những khó khăn ban đầu, ông đã đi đến các địa phương có mô hình hiệu quả để tham quan và học hỏi, tìm tòi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để từ đó áp dụng cho mô hình chăn nuôi, sản xuất của gia đình mình. Với số vốn ít ỏi ban đầu ông tập trung đầu tư vào nuôi cá thương phẩm, tuy còn nhiều khó khăn song với những lỗ lực không ngừng, trang trại của gia đình ông cũng dần khởi sắc, hàng năm trung bình gia đình ông đã thu được 50 tấn cá thương phẩm, với giá bán bình quân khoảng 50.000đ/kg. Ông còn là người đi đầu trong áp dụng những khoa học công nghệ trong chăn nuôi thủy sản như sử dụng máy cho cá ăn tự động, công nghê vi sinh, công nghệ xử lý môi trường… vì thế đàn cá lớn nhanh, không bị dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở đấy ông tiếp tục tìm hiểu và đầu tư vào nuôi ếch, hiện nay trang trại của ông nuôi khoảng 10 vạn con ếch, hàng năm ông tự nhân giống để tạo ra nguồn giống nuôi ếch thương phẩm.

Ông chia sẻ “ ếch là con dễ nuôi, bệnh dịch ít trung bình một năm sẽ nuôi được 8 tháng, mà thời gian nuôi mỗi lứa chỉ khoảng 70 ngày là có thể xuất bán, mỗi lứa gia đình bán được 1 vạn con thu về 40 triệu đồng. Ngoài ra trang trại của ông hiện có hơn 400 cây nhãn, đã cho thu hoạch và nhiều cây ăn quả khác.

Để có được kết quả đó không dễ song với lòng quyết tâm và tinh thần học hỏi cùng sự đồng hành, tạo điều kiện của chính quyền xã đã thực sự đem lại cho gia đình ông một diện mạo mới, với thu nhập trung bình mỗi năm hàng tỷ đồng đã góp phần đưa kinh tế của địa phương phát triển, đồng thời là một trong những mô hình điểm để bà con trong vùng và các địa phương khác đến trao đổi học hỏi và giúp nhau cùng phát triển kinh tế./.

Ngọc Bích