Chúng tôi đến tìm gặp ông Ngô Đăng Bình, sinh năm 1949 ở thôn Trung, xã Việt Hùng vào đúng lúc ông Bình đang hướng dẫn một vài hộ dân kĩ thuật trồng nấm rơm. Nếu có mặt tại đây, chắc chắn ai cũng phải bất ngờ trước sự nhiệt tình và vốn hiểu biết sâu rộng về kĩ thuật trồng nấm của ông Bình. Hỏi ra mới biết, dù mới chỉ chính thức trồng nấm rơm được 2 năm nay, thế nhưng ông Bình đã nghiên cứu về nấm và có kinh nghiệm trồng nấm được gần 40 năm. Ông Bình tâm sự, sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học của Đại học Quốc gia, năm 1978, ông về làm việc tại Trạm thực nghiệm sản xuất nấm huyện Đông Anh, đến năm 1984, ông chuyển về làm kĩ sư phòng chuyển giao công nghệ Công ty nấm Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2005, ông Bình còn làm giảng viên giảng dạy các kiến thức liên quan đến nấm cho Trung ương Hội làm vườn Việt Nam, chính vì vậy, ông Bình có vốn hiểu biết rất sâu rộng về lĩnh vực trồng các loại nấm.
Những năm gần đây, nhận thấy người dân trên địa bàn xã thường đốt rơm rạ và chất đống 2 bên lề đường sau mỗi mùa gặt làm ô nhiễm môi trường, năm 2016 ông Bình đã quyết định xây dựng mô hình trồng nấm rơm với mong muốn tận dụng các phế thải nông nghiệp vào trồng trọt, vừa để bảo vệ môi trường lại vừa có thể phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm nấm sạch và bổ dưỡng. Ông Ngô Đăng Bình chia sẻ: “Huyện Đông Anh mình hiện giờ sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ lớn và các phế phụ phẩm sau sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, cây gỗ nhiều. Trước đây thì bà con dùng đun nấu hoặc cho gia súc ăn, giờ đã phát triển, người ta dùng bếp ga không sử dụng rơm rạ nữa,trâu bò cũng ít đi người dân muốn xử lý cái này chỉ còn cách đốt và khi đốt rơm rạ thì gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Tôi biết rơm rạ là giá thể nuôi trồng cây nấm rất tốt từ đó, tôi nghĩ mình nên phát triển mô hình trồng nấm”
Mô hình trồng nấm rơm hiện nay của ông Bình rộng 500m2, trồng 2 loại nấm chính là nấm mỡ và nấm sò. Bắt đầu trồng với quy mô nhỏ vào năm 2016, thế nhưng trang trại nấm rơm của ông Bình đã cho thu hoạch được gần 7 tạ nấm mỡ và trên 10 tạ nấm sò trong 1 vụ, cho thu nhập 100 triệu đồng. Năm nay, ông Bình quyết định mở rộng quy mô, trồng tăng số lượng lên 10.000 bịch nấm sò, và trồng nấm mỡ trên 5 tấn rơm một vụ, dự kiến sẽ cho doanh thu khoảng gần 300 triệu đồng. Ông Bình cho biết thêm “Sau khi sản xuất năm 2016, tôi nhận thấy trồng nấm có hiệu quả và chúng tôi đã tìm được đầu ra rất hoàn chỉnh bây giờ chỉ lo không có nấm mà bán thôi, chứ không phải sợ sản xuất ra không bán được . Từ đó tôi quyết định trong vụ năm nay, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất và chủ yếu sẽ đi vào trồng nấm mỡ vì nấm mỡ cho giá bán rất cao chế biến để xuất khẩu được. Nói chung là trước khi làm chúng tôi đã tìm hiểu kĩ từng khâu, làm như nào? bán như nào? Thì chúng tôi mới dám làm”.
Qua khảo sát thị trường tại các chợ lớn nơi ông Bình xuất nấm sang bán như chợ Long Biên, chợ Thanh Xuân hay chợ Văn Quán..v..v.. ông Bình nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nấm của người dân tương đối lớn, trong khi các đại lý thu mua nấm của người dân hiện nay đều yêu cầu phải có số lượng nấm lớn mới thu mua. Chính vì vậy, ông Bình đã vận động các hộ dân có sở thích trồng trọt và dám nghĩ dám làm trên địa bàn xã phát triển mô hình trồng nấm. Trong quá trình trồng nấm, ông Bình cũng là người tận tình hướng dẫn, chỉ dạy các hộ dân kĩ thuật trồng nấm từ khâu ủ rơm, treo bịch, tưới nước đến khâu hái nấm sao cho đạt hiệu quả và năng suất cao. Tính đến nay, trên địa bàn xã Việt Hùng còn có 3 mô hình trồng nấm do ông Bình hướng dẫn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/1 năm.
Trong thời gian tới, để nhân rộng các mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã, ông Ngô Đăng Bình còn có kế hoạch mở lớp dạy nghề trồng nấm miễn phí ngay tại trang trại của mình đồng, thời phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xã tổ chức "Ngày hội cân rơm" với mục đích ông sẽ thu mua hết rơm rạ của các em học sinh mang đến trường làm kế hoạch nhỏ để tận dụng trồng nấm rơm và giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường.
Với những kế hoạch và những việc làm đầy ý nghĩa của ông Ngô Đăng Bình, hy vọng rằng trong thời gian tới, trên địa bàn xã Việt Hùng sẽ xuất hiện thêm nhiều tấm gương làm giàu từ mô hình trồng nấm rơm, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất làm kinh tế giỏi ở địa phương./.
Nguyễn Thị Thủy – Trạm KN Đông Anh