Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làm giàu từ mô hình nuôi lợn nái sinh sản

Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, sau khi kết hôn 2 vợ chồng anh Ngô Văn Hanh và chị Lại Thị Thanh vẫn tiếp nối công việc của gia đình với nghề đồng áng. Song do cái nghèo, cái đói cứ bủa vây cuộc sống của gia đình, khiến anh chị phải suy  nghĩ, trăn trở ngày đêm.



Ban đầu anh chị thử bắt tay vào nuôi gà, vịt song tiền lãi không đáng là bao, anh chị đã quay sang nuôi lợn thịt. Mất 2 năm vất vả với đàn lợn, anh chị nhận thấy nếu cứ đi mua lợn giống ở xa về nuôi thì rất khó kiểm soát được dịch bệnh, lợn giống lại không đồng đều, khó phát triển đàn nuôi, nên anh chị quyết định nuôi lợn nái sinh sản để cung cấp lợn giống cho gia đình và các hộ dân trong vùng nếu có nhu cầu. Nhờ chịu thương, chịu khó nên chỉ sau vài năm bắt tay vào làm mô hình nuôi lợn nái sinh sản, mà giờ đây, trong chuồng nuôi của gia đình anh chị Hanh – Thanh luôn có từ 30 – 40 con lợn nái, mỗi năm sản sinh từ 100 – 200 con lợn giống, cho lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Đến thăm mô hình trang trại nuôi lợn nái sinh sản của gia đình anh Ngô Văn Hanh và chị Lại Thị Thanh tại thôn Đìa, xã Nam Hồng, mới thấy hết sự chịu thương chịu khó của anh chị. Tại mảnh đất trên 2.000m2 của gia đình, ngoài đàn lợn ra, anh chị còn kết hợp nuôi thêm gà, vịt, bò và một ao cá rộng trên 500m2. Thời gian rảnh rỗi trong ngày, anh chị còn nấu rượu để bán, chủ yếu để lấy bỗng rượu làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Để việc chăn nuôi, sản xuất của gia đình không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, ngoài việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, vợ chồng anh Hanh còn xây bể kín Biogas tận dụng chất thải của vật nuôi, tạo chất đốt, tiết kiệm 100% chi phí tiêu thụ điện, gas của gia đình.

          Nếu như ngày trước, cuộc sống khó khăn, bữa no, bữa đói, thì giờ đây gia đình anh Ngô Văn Hanh và chị Lại Thị Thanh đã có cuộc sống rất sung túc, đủ đầy, không chỉ là trang thiết bị nội thất khang trang, phương tiện đi lại hiện đại, mà anh chị còn được người dân trong vùng gọi vui là “vua đất”, vì sở hữu nhiều bất động sản có giá trị trong vùng.

Để có được thành công đó, anh Hanh cho hay, anh chị đã trải qua những năm tháng dài vất vả. Vừa chăm lo cho 2 người con ăn học nên người, vừa chăm sóc mẹ già, hàng ngày lại phải xoay với hàng trăm con lợn, rồi gà, vịt, cá…. Có những khi dịch bệnh kéo đến, làm chết hàng chục con lợn nái, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng, tưởng chừng như phải buông xuôi, song anh chị vẫn không chịu khuất phục, mà đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên. Anh Hanh cho biết, đối với người chăn nuôi thì điều mà ai cũng quan tâm nhất đó là đầu ra cho sản phẩm trên thị trường, song theo anh nếu cứ chăm sóc tốt, đảm bảo con giống phát triển khỏe mạnh, thì không lo đầu ra cho vật nuôi, bởi không chỉ có các thương lái tìm đến mua buôn, mà những người dân trong vùng sẽ tự mách nhau những địa chỉ tin cậy, uy tín hoặc người chăn nuôi cũng có thể tự mang những sản phẩm chăn nuôi của gia đình bán tại các phiên chợ trong huyện.

          Để việc chăn nuôi của gia đình phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Từ năm 2009, gia đình anh Ngô Văn Hanh đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố với quy mô rộng gần 1.000m2 chia làm các khu vực, khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ, khu nuôi gia súc và khu nuôi gia cầm. Anh Hanh cho biết, việc phân khu như vậy vừa đảm bảo cho đàn nuôi được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình nuôi lợn nái sinh sản, gia đình anh luôn chú trọng phòng chống dịch bệnh cho lợn như dịch tai xanh, dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, Ecoli…Quan trọng nhất là khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giữ nhiệt độ phù hợp, bên cạnh đó còn phải đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của lợn mẹ và lợn con lúc mới sinh.

Không chỉ giỏi chăn nuôi, vợ chồng anh Ngô Văn Hanh và chị Lại Thị Thanh còn là những hội viên nông dân rất tích cực của xã Nam Hồng. Anh chị luôn thường xuyên tham gia các phong trào thi đua, sinh hoạt hội, để vừa có dịp học hỏi vừa có dịp chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những hội viên khác. Bản thân anh chị cũng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do xã tổ chức, đồng thời chủ động tham khảo tài liệu trên báo đài và các phương tiện truyền thông, nhằm bổ sung thêm kiến thức cho công việc chăn nuôi của gia đình.   

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, vợ chồng anh Ngô Văn Hanh và chị Lại Thị Thanh còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phong trào nuôi lợn nái sinh sản đạt hiệu quả cao tại địa phương. Anh chị đã giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân xã Nam Hồng trong diện khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi, để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương./.

Nguyễn Thủy – Trạm KN Đông Anh